Trẻ háo hức, cha mẹ "méo mặt" thở dài vì Tết
Trong khi hầy hết trẻ nhỏ đưa ra hàng chục lý do "thích Tết" như “Tết đến con có quần áo mới, con được đi chơi, con được nghỉ học; được ăn nhiều thứ mình thích…” và đặc biệt là… “con được nhiều tiền lì xì” thì đa số các bậc cha mẹ lại méo mặt lo toan mỗi dịp cuối năm.
Con trẻ luôn háo hức mong ngóng chờ tết đến! Ảnh minh họa |
“Tết nhất bây giờ sợ lắm! nhiều lúc còn mong không có Tết nữa! Trăm thứ phải lo mà không biết lấy tiền ở đâu ra. Sắm sửa cho gia đình rồi nội ngoại 2 bên, đi lại quà cáp tốn kém lắm. Vui vẻ gì Tết nhất” chị Dung đưa con đi học trường tiểu học Nghĩa Tân chia sẻ.
Có cái nhìn khác về Tết, anh Hùng làm việc trong một cơ quan nhà nước ở Hà Nội thẳng thắn nói: “Ngày xưa Tết là nghĩ đến ăn chơi và hưởng thụ. Bây giờ không còn khái niệm đi chơi tết mà là “đi” Tết”. Ngày Tết về nội ngoại có tốn kém thì không nói làm gì, vì thời nào cũng thế. Nhưng nay Tết là dịp lo việc đối nội, đối ngoại, “đi” sếp trên, sếp dưới. Có con đi học thì lo “đi” Tết thầy cô cho con, bố mẹ đi làm thì “đi” Tết sếp của bố mẹ. Tết không đơn giản là “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” nữa rồi! Anh than thở.
Xe quà Tết đầy ắp tiêu tốn hàng triệu đồng của đôi vợ chồng trẻ. Ảnh minh họa : NL |
“Buổi tối về nhà nhìn 2 đứa con háo hức thi nhau kể chuyện các bạn trong lớp khoe có váy mới, quần áo mới để đón tết và được bố mẹ hứa cho đi chơi đây đó mà mình cười không nổi”, là tâm sự của chị Mai Trang, ở Xuân Thủy, Cầu Giấy. Chị cho biết: "Đi làm không đủ tiền mượn người giúp việc nên mình ở nhà chăm con, chồng đi làm nuôi cả nhà. Kinh tế không dư giả nghĩ đến tết mà đau hết đầu".
Không vướng mắc con cái, nhưng cô Huyền Thư giảng viên một trường đại học ở Hà Nội cũng lo lắng về Tết không kém: mình vừa lập gia đình, chưa có con cái nhưng nghĩ Tết sắp đến mà lo lắm! Mới cưới nên Tết này phải ra mắt họ hàng 2 bên gia đình cho tươm tất. Hai vợ chồng cùng làm nhà nước, lương và thưởng vẫn chưa thấy đâu. Chẳng biết lấy gì mà lo công việc nữa! “Đến lúc có con cái nữa thì chắc muốn chốn Tết luôn”, cô nhăn nhó cười gượng.
Dường như mỗi dịp Tết đến không còn được người dân đón chờ trong niềm vui, phấn khởi như xưa, thay vào đó là sự thở ngắn than dài với những nỗi niềm khó tỏ.