Tranh chấp biên giới: Trung Quốc vẫn quả quyết, Ấn Độ bắt đầu chùn bước
Hồi tuần trước, truyền thông Ấn Độ tiếp tục dậy sóng sau khi Thời báo Hoàn Cầu đăng tải lời bình luận của một học giả Trung Quốc về khả năng quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh quy mô nhỏ nhằm đánh đuổi binh sĩ Ấn Độ ra khỏi vùng đất tranh chấp Doklam.
Theo giới chuyên gia, phản ứng của giới truyền thông Ấn Độ cho thấy, quốc gia này dường như đang mất dần sự tự tin khi phải đối mặt với Trung Quốc.
Binh sĩ Trung Quốc. |
Cụ thể, hồi tuần trước, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết có lời bình luận của ông Hu Zhiyong, nhà nghiên cứu tại Viện Các mối quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải. Trong bài báo này, ông Hu cho rằng: "Nếu Ấn Độ vẫn từ chối rút quân, Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến quy mô nhỏ trong hai tuần".
Ngay lập tức lời bình luận của ông Hu trở thành đề tài nóng xuất hiện trên truyền thông Ấn Độ. Đáng nói, khác với những tuyên bố cứng rắn mang tính hiếu chiến như trước đây, truyền thông Ấn Độ bao gồm cả phát ngôn từ chính phủ nước này đã khẳng định đối thoại là con đường duy nhất để giải quyết xung đột giữa hai quốc gia.
Hôm 5/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã bày tỏ hy vọng Trung - Ấn sẽ tìm ra giải pháp giảm thiểu căng thẳng thông qua đối thoại nhưng lại không nói rõ cách tiến hành.
Trước đó 2 ngày, tờ The Tribune dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho hay đối thoại chính là con đường duy nhất để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc và Trung Quốc cũng đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Ấn Độ.
Còn theo ông Hu, việc Ấn Độ nghi ngờ khả năng Trung Quốc triển khai hành động quân sự ở Doklam cùng với những lời bình luận của chính phủ Ấn Độ về tranh chấp giữa hai nước cho thấy, New Delhi đã nhận thức được lỗi lầm.
Trong khi đó, nhà bình luận Meghnad Desai dự đoán rằng căng thẳng Trung - Ấn sẽ sớm leo thang thành một cuộc chiến toàn diện với sự góp mặt của Mỹ, quốc gia sẽ đứng về phe Ấn Độ. Tuy nhiên, theo ông Desai, Ấn Độ không thể chống chọi với Trung Quốc nếu như không có sự trợ giúp và hỗ trợ từ phía Mỹ. Và Mỹ cũng không thể chống đỡ trước Trung Quốc mà không có sự giúp đỡ từ phía Ấn Độ.
Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Đại học West Normal Trung Quốc, ông Long Xingchun thì nhận định, việc tỏ ra quá lo lắng trước những lời bình luận của giới học giả về khả năng Trung Quốc tiến hành chiến tranh cũng như những toan tính về khả năng Mỹ sẽ giang tay hỗ trợ cho thấy, New Delhi đang mất dần sự tự tin trước Bắc Kinh.
Cũng theo ông Long, trong hai tuần qua, phía Ấn Độ đã có những động thái xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc với mục đích thiết lập một vùng đệm mà vẫn giữ được thể diện bởi Ấn Độ không thể tìm ra cách để bảo vệ quan điểm của mình.
Còn theo ông Hu, trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp diễn, chính phủ Ấn Độ hiện đang chịu sức ép từ cả trong nước và nước ngoài. Dù Ấn Độ đề xuất đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết xung đột nhưng Trung Quốc đã khẳng định chỉ đối thoại khi binh sĩ Ấn Độ chịu rút lui trước.
Theo People’s Daily, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn tiếp tục yêu cầu toàn bộ binh sĩ Ấn Độ rút quân khỏi vùng đất tranh chấp Doklam.
"Theo chúng tôi biết, vẫn còn 53 người và một máy ủi đất đang hoạt động trái phép trên vùng đất thuộc chủ quyền của Trung Quốc hôm 7/8", People’s Daily dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/8.
"Trung Quốc muốn nhấn mạnh rằng, Ấn Độ phải rút toàn bộ quân nhân và vũ khí về khu vực thuộc biên giới Ấn Độ. Bất cứ binh sĩ Ấn Độ nào còn hiện diện trên đất Trung Quốc cũng là sự xâm phạm nghiêm trọng lãnh thổ quốc gia của Bắc Kinh", Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết.
Vào cuối tháng qua, số lượng binh sĩ Ấn Độ có mặt tại Doklam cũng đã tăng nhẹ khi trước đó, 40 binh sĩ Ấn Độ được cho có mặt ở khu vực này. Trong giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng với Trung Quốc, 400 binh sĩ Ấn Độ đã được triển khai tới Doklam.
Căng thẳng Trung - Ấn bùng nổ từ giữa tháng Sáu sau khi binh sĩ Ấn Độ ngăn cản không cho quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường ở Doklam, khu vực nằm giữa 3 nước là Ấn Độ - Trung Quốc – Bhutan. cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cáo buộc binh sĩ hai nước xâm phạm lãnh thổ của nhau.
Nhiều người từng cho rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ VK Singh sẽ gặp mặt để thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ khi hai người cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila. Nhưng thực tế đã không có bất cứ cuộc đàm phán nào được tiến hành.
Trong khi đó, New Delhi vẫn phủ nhận sự xuất hiện của các binh sĩ Ấn Độ tại Doklam nhưng lại kêu gọi giải quyết tranh chấp với Trung Quốc qua đối thoại. Căng thẳng ở khu vực Doklam trở thành sự kiện tranh chấp kéo dài nhất giữa hai nước kể từ khi Trung - Ấn rơi vào cuộc chiến biên giới năm 1962.