Tranh chấp biên giới khiến chiến tranh Trung - Ấn sẽ lặp lại?
Quân đội Ấn Độ luyện tập cho cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc. |
Theo tạp chí Time, cuộc chiến tranh lớn duy nhất trong lịch sử hiện đại giữa Ấn Độ và Trung Quốc kết thúc bất ngờ cũng giống như lúc bắt đầu.
Vào ngày 20/10/1962, một cuộc tấn công ào ạt từ nhiều mũi của quân đội Trung Quốc phá tan sự tĩnh lặng của vùng núi Himalaya, lấn át lực lượng quốc phòng Ấn Độ khi đó không có sự chuẩn bị và vũ trang kém, khiến các binh sĩ Ấn Độ bỏ chạy tán loạn. Trong vòng vài ngày, Trung Quốc đã kiểm soát cao nguyên Aksai thuộc Kashmir về phía tây và về phía đông tiến tới gần vùng đất trồng chè quan trọng của Ấn Độ ở Assam.
Sau đó vào ngày 21/11, Bắc Kinh tuyên bố đơn phương ngừng bắn và rút khỏi khu vực đông bắc Ấn Độ nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát khu vực Aksai cằn cỗi.
Năm mươi năm sau đó, có các lí do khác để hai bên tham chiến: lí do mang tên tranh chấp chủ quyền. Lí do này đáng lẽ đã lùi vào dĩ vãng của thế ký 19 nhưng đến tận thế kỷ 21 ngày nay vẫn là nguyên nhân khiến mối quan hệ của hai cường quốc châu Á đang lên căng thẳng.
Quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang bùng nổ: kim ngạch thương mại song phương đạt 70 tỷ USD mỗi năm và dự kiến sẽ đạt tới mức 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.
Nhưng bất chấp các vòng đàm phán được thực hiện, hai quốc gia vẫn chưa giải quyết được cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về đường biên giới dài 2.100 dặm (3.200km). Khu vực biên giới này vẫn là vùng lãnh thổ được quân sự hóa dày đặc nhất trên thế giới, một vùng biên giới núi non đứt gãy hiểm trở mà đến nay vẫn khơi dậy căng thẳng giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Tâm điểm của mâu thuẫn giữa hai bên là đường ranh giới McMahon, một đường ranh giới không chính xác được các quan chức về thuộc địa của Anh và đại diện của nhà nước Tây Tạng vẽ ra vào năm 1914.
Tất nhiên Trung Quốc từ chối công nhận đường ranh giới này và vẫn lấy cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của mình là các bản đồ và bản đồ địa lý của triều đại nhà Thanh đã suy tàn từ lâu, thời kỳ mà các hoàng đế dân tộc Mãn kiểm soát lỏng lẻo chủ quyền cao nguyên Tây Tạng.
Vào năm 1962, do hiểu không rõ ràng về vị trí chính xác của đường biên giới cùng với những đòi hỏi cấp bách của hai quốc gia non trẻ - Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch Mao Trạch Đông và nước Ấn Độ mới độc lập của Thủ tướng Jawaharlal Nehru – đã dẫn đến cuộc xung đột mà Trung Quốc đã khiến Ấn Độ bẽ mặt khi giành được chiến thắng và thiệt hại cả hai bên ước tính lên tới 2.000 binh sĩ.
Vào năm 1962, cuộc tấn công của Trung Quốc như một “cuộc tấn công bằng biển người”, giống như “đàn kiến đỏ” khuân vác những khẩu súng tiểu liên. Bắc Kinh chiếm đóng và vẫn chưa bao giờ từ bỏ vùng Aksai Chin – “sa mạc đá trắng” – một hành lang nối Tây Tạng với vùng Tân Cương ở phía tây Trung Quốc.
“Cuộc chiến tranh Trung - Ấn diễn ra do một loạt các hành động bắt nguồn từ sự hiểu nhầm. Tuy nhiên, mối quan hệ song phương đã phát triển đi lên. Ngày nay, vùng biên giới đó, dù còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, khá bình lặng”, Kishan S. Rana, một nhà cựu ngoại giao Ấn Độ, nhận xét.
Tuy nhiên, quá trình tự do hóa kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa dẫn đến một hệ thống chính trị cởi mở và mối quan hệ thương mại Trung - Ấn chưa đủ mạnh để “thổi bay” hoàn toàn thế bế tắc về vấn đề biên giới giữa hai nước.
50 năm trôi qua kể từ cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn 1962, khu vực “nóc nhà thế giới” vẫn chưa bớt căng thẳng. |
Biên giới Trung - Ấn có thể “yên ắng” nhưng căng thẳng đã bắt đầu trỗi dậy trong những năm vừa qua. Trung Quốc tái khẳng định tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ bang Arunachal Pradesh phía đông bắc Ấn Độ mà Trung Quốc đã chiếm được trong năm 1962 và gọi vùng đất này là “Nam Tây Tạng”. Trong khi đó, Ấn Độ đang dần tăng cường điều động quân đội đến vùng đông bắc đã bị bỏ từ lâu. Vấn đề Tây Tạng từ lâu đã phủ bóng lên mối quan hệ Trung - Ấn kể từ năm 1959 khi Đạt Lai Lạt Ma bỏ chạy sang Ấn Độ và điều đó khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Chủ nghĩa dân tộc ác ý có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung - Ấn trong tương lai.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát của Dự án thái độ toàn cầu Pew được công bố vào tuần trước, 62% người Trung Quốc có quan điểm “không ưa” Ấn Độ - so với 48% “không ưa” Mỹ.
Brahma Chellaney, một giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi, lo ngại rằng tư tưởng đó sẽ dẫn dắt các toan tính chính trị của Bắc Kinh. Nếu tình hình trở nên căng thẳng hơn thì giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ không “miễn nhiễm” trước lời kêu gọi tấn công Ấn Độ của những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn.
Ông Chellaney viết: “Đối với Ấn Độ, bài học xương máu từ cuộc chiến 1962 là để duy trì hòa bình, nước này cần phải ở tư thế sẵn sàng bảo vệ hòa bình hơn bao giờ hết. Các chính sách thể hiện nguy cơ “tái phạm” của Trung Quốc đang là cội nguồn của căng thẳng song phương hiện nay và đem đến khả năng Bắc Kinh có thể sẽ dạy cho Ấn Độ “bài học thứ hai”, đặc biệt là khi những thành quả chính trị của bài học đầu tiên đã bị sử dụng một cách lãng phí”.
“Học thuyết chiến lược của Trung Quốc rất coi trọng các yếu tố bất ngờ và chọn thời điểm tốt nhằm tiến hành “những trận chiến với kết quả mau lẹ”. Nếu Trung Quốc có tiến hành một cuộc chiến bất ngờ khác, thì việc chiến thắng hay chiến bại sẽ do một yếu tố then chốt quyết định: khả năng của Ấn Độ đón nhận cú sốc lúc đầu và phản công quyết liệt”, ông Chellaney viết tiếp.
Trung Quốc quyết định rút lui khỏi phần lớn lãnh thổ mà nước này chiếm được trong cuộc chiến 1962 do Anh và Mỹ gửi một số lượng lớn hàng viện trợ và vũ khí cho Ấn Độ.
Có tin cho rằng do quá sốc trước cuộc chiến với Trung Quốc, sức khỏe của thủ tướng Ấn Độ Nehru đã sa sút nghiêm trọng và ông qua đời sau đó 2 năm.
Đến nay, vô số những điều kết nối các cộng đồng người sống dọc theo biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, còn được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” đã mất đi do cuộc đối đầu giữa New Delhi và Bắc Kinh. Như một thành viên quốc hội từ bang Arunachal Pradesh đã từng nói rằng: “Chúng tôi có rất nhiều điểm chung, nhưng bây giờ tất cả những điều đó đã trở thành quá khứ”.