Tranh cãi gay gắt quanh bữa ăn nàng dâu ở cữ "bóc phốt" mẹ chồng
Nàng dâu trẻ đăng tải lên mạng xã hội bữa cơm ở cữ được mẹ chồng chuẩn bị. Chị than rằng “nuốt không nổi”, “không ưng bụng” trước mâm cơm đạm bạc.
Nhiều ngày qua, mâm cơm ở cữ trở thành đề tài bàn luận trên mạng xã hội với vô số ý kiến trái chiều. Từ chia sẻ của các chị em, không ít cảnh ngộ nhận được sự đồng tình và cũng không ít tâm sự bị “ném đá”.
Sự việc bắt nguồn từ dòng trạng thái của một nàng dâu trẻ. Chị đăng lên mạng hình ảnh 3 mâm cơm ở cữ được mẹ chồng chuẩn bị. Theo chị, gia cảnh nhà chồng thuộc hàng khá giả của xóm.
Một hình là tô cơm trắng ăn cùng 2 quả trứng và chén nước mắm trong. Hình thứ 2, vẫn là cơm trắng nhưng kèm chén thịt (khoảng được 4 - 5 miếng) trộn chung với mắm và bữa thứ 3 gồm canh rau ngót, cơm trắng và thịt kho.
Một trong những mâm cơm được đăng tải nhận được nhiều bình luận nhất |
Dưới phần hình ảnh, cô dâu trẻ than phiền vì ăn không nổi những gì mẹ chồng chuẩn bị. Mỗi bữa chỉ tới muỗng thứ 3 là không thể tiếp tục.
Trước chia sẻ của nàng dâu, nhiều chị em đồng cảm, thương cho hoàn cảnh của mẹ trẻ vì ăn uống như vậy là thiếu chất, khó có thể đủ sữa cho con. Chưa kể, việc ăn uống khô khan, thiếu chất dễ khiến tâm trạng người mẹ trở nên căng thẳng, chán nản và rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực.
Trong bình luận, không ít phụ nữ kể họ cũng trải qua những bữa cơm ở cữ “nghèo” chất, “nghèo” hình thức. Đương nhiên, hiếm ai trong số họ kể cụ thể lý do vì sao mẹ chồng lại chuẩn bị mâm cơm như thế, chỉ thấy những lời tủi hờn, than trách số phận xui rủi, không được nhà chồng thương yêu.
Hình chụp lại 2 bữa ăn khác cũng nhận về nhiều bình luận không kém |
Đọc những bình luận này, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy thương cho các chị em bởi sau lần vượt cạn khó nhọc, đau đớn, họ chưa nhận được sự quan tâm như bản thân mong cầu. Cứ như vậy, mỗi bữa cơm lại là một “trận chiến” chỉ để làm no bụng, hoàn toàn không phải là ăn ngon miệng, ăn trong vui vẻ, hạnh phúc.
Nhưng trong những bình luận được để lại, không ít chia sẻ đến từ các chị em chuộng lối sống tự chủ, độc lập, không cậy nhờ đến người khác chăm sóc. Một tài khoản tên Trần Vân Anh cho biết nếu không ăn được, nàng dâu trẻ nên bế con về nhà mẹ đẻ hoặc tìm cách đặt đồ ăn nấu sẵn thay vì ngồi một chỗ “nuốt” tủi thân vào người.
Ngoài ra, người này cho biết từ kinh nghiệm của bản thân, phụ nữ ở cữ cũng nên chủ động, đừng để bị phụ thuộc vào người khác. Muốn ăn gì, bạn chủ động nhờ chồng hoặc người thân mua và tự xuống bếp, mang găng tay và dùng nước ấm là được.
“Nếu cuộc sống không dịu dàng với mình thì tự mình đối xử dịu dàng với mình đi nhé!”, tài khoản Trần Vân Anh chia sẻ.
Một tài khoản tên Phạm Vui tâm sự rằng phụ nữ nên có chút tiền phòng thân để khi ở cữ, bạn muốn ăn gì thì nhờ mẹ chồng nấu hoặc nếu là người thích độc lập, bạn nên vào bếp để tự lo cho mình.
Người này đánh giá hành động của nàng dâu trẻ trong câu chuyện là chưa phù hợp, bởi nếu đăng những điều này lên mạng xã hội dễ khiến mẹ chồng, chồng và gia đình hai bên xào xáo.
Nên có những chia sẻ cụ thể hơn với mẹ chồng hoặc nếu có tâm sự khó nói, cũng nên tỏ bày thêm để tránh dư luận ảnh hưởng đến gia đình chồng. Đó là cách tôn trọng mẹ chồng vì không phải ai cũng vào bếp nấu cơm cho con dâu như vậy.
Mâm cơm ở cữ được một tài khoản đăng tải, cho rằng mẹ bỉm nên ăn đầy đủ chất |
Khi mang câu chuyện này nói với một chị đồng nghiệp, tôi nghe được một tâm sự mà có lẽ, những người phụ nữ sắp sửa bước vào giai đoạn ở cữ như tôi có thể xem đó như một gợi ý để tự tạo hạnh phúc cho mình.
Chị kể, dù sinh con đầu lòng hay khi có cháu thứ hai, dù sinh mổ, chị vẫn cùng chồng vào bếp nấu nướng. Đương nhiên, khoảng thời gian 3 ngày mới sinh ở bệnh viện, chị đặt cháo và cơm theo khẩu phần của bệnh viện.
Từ khi về nhà, những lúc con ngủ (trẻ sơ sinh thường ngủ li bì suốt ngày, nên người mẹ không hề thiếu thời gian) muốn ăn gì chị tự xuống bếp làm, dù có ba mẹ ruột để nhờ vả.
Chị nhớ món ăn duy nhất mẹ nấu cho chị ăn thêm ngày ở cữ là món canh đu đủ để lợi sữa. Chị ăn trong vui vẻ để mẹ an lòng, nhưng chị không thấy thoải mái, càng không thích cảnh mẹ già lui cui bưng mâm cơm thịnh soạn lên lầu, chờ con gái ăn xong để dọn dẹp như các nhà khác. Chị nói, chị có niềm vui tự phục vụ cùng suy nghĩ "bà đẻ không phải người bệnh".
Tôi nghĩ, không nhiều phụ nữ chọn lối sống độc lập, hiện đại như chị đồng nghiệp, bởi xưa nay, dân gian quan niệm phụ nữ mới sinh phải kiêng cữ nhiều. Đa số các mẹ trông cậy hoàn toàn việc ăn uống, thậm chí phó thác cả việc trông nom con nhỏ cho bà nội, bà ngoại hay người giúp việc.
Khó trách tâm lý muốn được chăm sóc, quan tâm khi cơ thể còn yếu mệt của các bà đẻ. Nhưng nàng dâu chỉ nên trông đợi sự chăm sóc khi mẹ chồng là người tâm lý, yêu thương con cháu vô điều kiện và chồng khôn khéo trong xử lý các khúc mắc trong gia đình. Còn không, hãy cứ tự lập được phần nào hay phần đó, hạn chế giao chuyện ăn uống của bản thân cho mẹ chồng, rồi đến khi cơm không lành, canh không ngọt lại “bóc phốt” trên mạng xã hội.
Một câu nói 'sát thương' của mẹ chồng khiến con dâu quyết định tự tay chăm con
Tại sao phụ nữ lại làm khó phụ nữ? Mẹ chồng chẳng phải đã từng là con dâu sao? Mẹ chồng chưa từng phải ở cữ sao? Tại sao mẹ chồng không thể hiểu được nỗi lòng của con dâu?
Theo www.phunuonline.com.vn