TQ sắp thành lập chính quyền cho "cái gọi là" TP. Tam Sa
TQ sắp thành lập chính quyền cho "cái gọi là" TP. Tam Sa
Chính quyền Hải Nam (Trung Quốc) họp bàn để thành lập Ủy ban tổ chức chuẩn bị cho sự ra đời của chính quyền "cái gọi là" thành phố Tam Sa. (Ảnh: Xinhua) |
Theo Tân Hoa Xã, Ủy ban tổ chức này được thành lập bởi Ủy ban chính quyền tỉnh Hải Nam nhằm chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu lựa chọn các nhân vật vào bộ máy chính quyền cho "thành phố Tam Sa" vừa được thành lập hồi cuối tháng 6/2012. Theo đó, bộ máy của Tam Sa sẽ bao gồm 60 thành viên và trong đó sẽ có 15 thành viên được lựa chọn vào Ủy ban thường trực. Chính quyền của "thành phố Tam Sa" này sẽ đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Yongxin), một hòn đảo có diện tích khá lớn nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Không dừng lại ở việc thành lập Tam Sa, Sở Du lịch Hải Nam còn cho biết, đến cuối năm nay Trung Quốc sẽ tiến hành các chuyến du lịch đưa người từ Hải Khẩu (thủ phủ tỉnh Hải Nam) đến Tam Sa nhằm tiến sâu hơn nữa trong hoạt động bất hợp pháp nhằm hợp thức hóa sự tồn tại của Tam Sa.
Trước đó, vào tháng 11 năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thành lập một đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là: Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa). Chính quyền sắp tới của "cái gọi là" TP. Tam Sa sẽ được giao quản lý hơn 200 hòn đảo, bãi cạn và bãi san hô với diện tích lên tới 13 km2 và hơn 2 triệu km2 mặt nước.
Trụ sở của Tam Sa dự định sẽ được đặt ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. |
Hồi cuối tháng 6/2012, Trung Quốc đã chính thức thông qua quyết định thành lập Tam Sa bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Philippines và cộng đồng quốc tế…
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/06/2012, khẳng định: “Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…”.
T.D.P