TQ giăng tàu hải cảnh, tàu cá trên Biển Đông, Indonesia có "kế mới" đối phó
Reuters đưa tin, trong một tuyên bố cứng rắn bất thường, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, “không có chuyện đàm phán khi vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia”.
Tổng thốngIndonesia Joko Widodo và hai tướng quân đội thị sát cuộc tập trận trên quần đảoNatuna hồi năm 2016. (Ảnh: Reuters) |
Kể từ tháng 12/2019, căng thẳng giữa Trung Quốc – Indonesia bùng phát sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống các tàu cá nước này tiến vào khu vực phía nam quần đảo Natuna. Động thái của Trung Quốc đẩy mối quan hệ hữu nghị lâu nay giữa Bắc Kinh và Jakarta xuống dốc nhanh chóng.
Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD nói với các phóng viên rằng, khoảng 120 ngư dân trên đảo Java sẽ được điều động tới đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông.
“Chúng tôi muốn huy động các ngư dân từ khu vực bờ biển phía bắc và có thể là từ cả những khu vực khác tới đây để đánh bắt và thực hiện những công việc khác”, ông Mahfud nói.
Hồi tuần trước, Indonesia đã điều động thêm các chiến hạm tới quần đảo Natuna. Cụ thể, ông Imam Hidayat, người phụ trách các hoạt động trên biển thuộc Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia cho biết 6 tàu chiến của Indonesia đã có mặt ở quần đảo Natuna và giờ thêm 4 tàu tiếp viện.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹcùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.
Việc các tàu Indonesia thường xuyên chạm trán với ngư dân Trung Quốc ở quần đảo Natuna là “chuyện cơm bữa”, nhưng sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc đã đẩy quan hệ giữa hai nước leo thang trong năm nay. Thậm chí, Indonesia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để phản đối.
Trước đây, Jakarta và Bắc Kinh đã vài lần xảy ra va chạm trên Biển Đông. Cụ thể, vào năm 2016, một tàu tuần tra của Indonesia đã bắt giữ tàu đánh cá tải trọng 300 tấn của Trung Quốc.
Mặc dù, Trung Quốc công nhận Indonesia có chủ quyền với quần đảo Natuna, song Bắc Kinh cho rằng hai nước vẫn có tranh chấp về vùng biển tại đây. Về phần mình, Indonesia phản đối tuyên bố của Trung Quốc. Ngoài ra, Indonesia còn cho đổi tên vùng đặc quyền kinh tế phía bắc quần đảo Natuna thành Biển Bắc Natuna bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc.