TPHCM: Xuất hiện thịt heo lở mồm long móng
Thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn được kiểm tra kỹ trước khi bán |
Chợ đầu mối Hóc Môn là nơi cung cấp chủ yếu thịt heo cho các chợ dân sinh trong thành phố. Ban quản lý chợ cho biết, năm 2018, lượng hàng hóa nhập tại chợ bình quân là 2.700 tấn/ngày – đêm, trong đó thịt heo khoảng 400 tấn (5.500 con), trái cây khoảng 500 tấn, rau củ khoảng 1.800 tấn.
Hàng hóa nhập tại chợ có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 4%, các nước khác khoảng 1%.
Riêng đối với mặt hàng thịt heo, đại diện ban quản lý chợ cho biết thêm, lúc cao điểm, tại chợ tiêu thụ lên khoảng 11.000 con mỗi ngày đêm, lượng thịt được tiêu thụ là rất lớn.
Nắm bắt được nhu cầu của người dân tăng cao, đặc biệt trong dịp lễ, tết, song song với đó là những nguy cơ bỏ lọt thịt heo có dấu hiệu nhiễm bệnh, hoặc chủ hàng gian lận tiêu thụ thịt heo không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… ban quản lý chợ đã sửa chữa cơ sở vật chất, thay mới hệ thống camera giám sát làm tốt công tác kiểm tra, an ninh chợ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra…
Đối với những trường hợp vi phạm, đều bị lập biên bản xử lý nghiêm.
Kiểm tra thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn |
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận bùng phát dịch lở mồm long móng.
Tại TP.HCM, chỉ cách vài ngày trước, lực lượng kiểm tra đã phát hiện hơn 60 con heo bị lở mồm long móng từ Đồng Nai vận chuyển về thành phố, buộc phải tiêu hủy.
Tháng trước đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện lô hàng 20 con heo có những biểu hiện bệnh tương tự. Ngoài ra, một số mẫu thịt heo thành phẩm được bán ở chợ truyền thống cũng bị phát hiện heo bệnh.
Bà Lan nhận định: “Thời điểm cận Tết nhu cầu của người dân tăng cao, hiện nay thịt heo lại tăng giá. Tuy nhiên, số lượng heo được giết mổ tập trung, công nghệ hiện đại tại TP.HCM chưa đáp ứng được 100% nhu cầu, nhiều người lựa chọn vận chuyển heo được giết mổ ở các tỉnh lân cận về thành phố. Quá trình giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ còn khá phức tạp.
Đoàn đã phát hiện nhiều vi phạm như: heo chở đến đã được bơm nước, thịt heo ôi thiu, các dịch bệnh như lở mồm lòng móng, một số lái buôn có chiêu trò chặt chân heo bị bệnh để qua mặt đội kiểm tra…
Do đó, địa phương cần phải phối hợp tốt cùng lực lượng thú y nhằm ngăn chặn heo bị bệnh nhập vào thành phố. Cụ thể, mỗi xe hàng, mỗi con heo phải được kiểm tra, không để lọt lưới vi phạm…
Ngoài ra, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm ở các cơ sở uy tín, không mua hàng trôi nổi, giá rẻ, khi phát hiện thực phẩm có dấu hiệu lạ cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan chức năng”.
Trước đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Được biết, chợ chủ yếu hoạt động vào ban đêm gồm 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa của 945 thương nhân, kinh doanh chủ yếu là mặt hàng rau, củ quả.
Năm 2018, tổng lượng hàng nhập về chợ khoảng gần 1,4 triệu tấn, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, lượng hàng về chợ này là gần 3.700 tấn, trong đó, có 15% sản phẩm nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc, dưới 10% nông sản đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng thanh tra đã kiểm tra đột xuất giấy tờ nguồn gốc xuất xứ của nhiều ô vựa kinh doanh.