TP.HCM: Sốt xuất huyết tăng nhanh dù chưa phải đỉnh dịch
Trẻ bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Theo dự báo, diễn tiến dịch sẽ còn phức tạp vì hiện mới là đầu mùa mưa, chưa phải là đỉnh dịch của sốt xuất huyết của khu vực phía Nam.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, trong những tuần gần đây, số ca bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh. Tính đến hết tuần 26/2017 thành phố, ghi nhận có 9.141 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 11% so với cùng năm 2016 với số ca tử vong là 3 ca, tăng 2 ca so với cùng kỳ 2016.
Theo ghi nhận các bệnh viện, từ tháng 6 tới nay, số bệnh nhân phải nhập viện vì sốt xuất huyết tăng vọt, có nơi tăng gấp đôi bình thường, nhiều ca nặng phải điều trị ở khoa hồi sức, thở máy. Tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, những tháng bình thường, trung bình chỉ có khoảng 40 ca sốt xuất huyết nhập viện. Riêng tháng 6/2017 tới nay, số bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết tăng lên 60, có ngày tới 80 ca điều trị nội trú.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang điều trị hơn 100 ca sốt xuất huyết, trong đó có 9 ca sốc sốt xuất huyết, nhiều trẻ phải thở máy và đã có 2 trẻ tử vong. TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho biết, từ tháng 6, các ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng 10 – 15% so với tháng trước, trung bình có 70 – 72 ca nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó 10% là các ca nặng và đang có xu hướng tăng nhẹ.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, điều kiện thời tiết hiện nay với ngày nắng nóng, chiều tối có mưa là cực kỳ thuận lợi cho muỗi sinh đẻ và nở trứng. Vì thế, ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã dự báo số ca bệnh có thể tăng sớm trong năm nay và đã có những hoạt động chủ động kiểm soát bệnh như tăng cường giám sát các điểm nguy cơ sinh muỗi, lăng quăng; xử lý triệt để các ổ dịch xuất hiện tại địa phương và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nguy cơ cho cộng đồng.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng, trong tháng 7, bên cạnh hoạt động giám sát thường xuyên của các bộ phận chuyên môn, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các quận huyện trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Tại cuộc họp về tình hình dịch sốt xuất huyết tại phía nam, các chuyên gia nhận định sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nếu như năm 2015, sốt xuất huyết tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó tăng cao nhất ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Tây Ninh; thì cuối năm 2016 dịch sốt xuất huyết lại bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên, nơi không phải có tốc độ đô thị hóa cao và tập trung nhiều dân nhập cư.
Nguyên nhân do diễn tiến thời tiết thất thường của năm 2016 với việc nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; qua năm 2017, sốt xuất huyết trở lại rầm rộ từ đầu năm tới nay cũng không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ.
Tại cuộc họp của ngành y tế TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm nhưng chưa có vắc xin, trong khi hoạt động giám sát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết đến nay vẫn chưa được phân cấp quản lý cho cấp khu phố. Phía chính quyền địa phương luôn viện cớ rằng, nhân sự do phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể đảm đương thêm công tác phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc giám sát, can thiệp điểm nguy cơ cũng chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND cấp quận huyện đối với ban, ngành, đoàn thể; chưa xử lý nghiêm quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị làm phát sinh muỗi, lăng quăng. Công tác phòng chống sốt xuất huyết đang thiếu sự giám sát của y tế dự phòng tuyến cơ sở, nhiều nơi không triển khai các phương án phòng và dập dịch cùng một thời điểm nên hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn chưa đạt yêu cầu.