TP.HCM: Sau Tết hàng hóa “mắc mỏ” vẫn... đắt hàng
TP.HCM: Sau Tết hàng hóa “mắc mỏ” vẫn... đắt hàng
Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại vẫn còn cao. Song, không mấy ai quan tâm nên các chợ, siêu thị khá đông khách...
Chợ thực phẩm tươi Bến Thành còn vắng khách
Sáng mùng 2 tết, theo PV báo điện tử Infonet ghi nhận, tại các chợ bán lẻ sức mua đã trở lại bình thường. Khách đi chợ khá đông, hàng hóa đã gần như ngày thường, trừ vài gian hàng bán thịt, cá còn nghỉ Tết.
Các chợ nhỏ không khí mua bán có vẻ sôi động hơn chợ lớn. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống không thiếu, hầu hết đều tăng từ 10 - 15% so với ngày thường, nhưng vẫn rẻ hơn so với những ngày giáp Tết.
Một số mặt hàng tươi sống như hải sản, cá, rau cải… bán mạnh, song giá bán chỉ “hạ nhiệt lấy lệ”, đa số vẫn ở mức cao. Người đi chợ quan tâm nhiều đến các mặt hàng rau, củ nhưng hàng hóa chưa đa dạng. Theo các chủ sạp rau, mấy ngày sau Tết nhu cầu tiêu thụ rau tăng, nhưng khan hiếm hàng vì nhà vườn còn vui Tết nên ít người thu hoạch khiến rau tăng giá hơn ngày thường khoảng 4.000 - 5.000 đ/kg. Cụ thể, rau muống 10.000 đồng/kg, cải bẹ xanh 15.000 đồng/kg, đậu cove 12.000 đồng/kg, cà chua 15.000 đồng /kg, cà rốt Đà lạt 17.000 đồng/kg…
Riêng mặt hàng trái cây, giá có thể nhích lên vào những ngày tới do nhu cầu cúng rằm tháng giêng - một trong những rằm lớn trong năm.
Tại các chợ đầu mối, giá một số mặt hàng thực phẩm đã giảm giá. Tuy nhiên, ở những chợ nhỏ người tiêu dùng lại vẫn phải mua với giá cao, nhất là các loại cá biển, cá sông cao cấp giá cả “trên trời” nhưng người mua vẫn đông. Chẳng hạn cá thu 80.000 đồng/kg, cá chẽm, cá dứa 110.000 đồng/kg, tôm thẻ 150.000 đồng/kg, mực nang loại vừa 85.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tươi tại siêu thị
Ông Trương Minh Đức, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền, quận 8 cho biết, các mặt hàng rau, củ, quả cũng có xu hướng giảm giá từng ngày, nhưng hiện nay vẫn còn ở mức cao. Tuy nhiên, một số loại thủy hải sản như cá bạc má, cá nục, ngân, ngừ, điêu hồng... đã tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg, riêng tôm, cua các loại tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/kg do Tết là thời điểm các tàu đánh bắt xa bờ nghỉ ngơi nên lượng cá biển về chợ có giảm, bù lại lượng cá đồng từ các tỉnh miền Tây về chợ khá dồi dào...
Khu nhà lồng các chợ đã mở cửa, trừ khu vực bán hàng tiêu dùng, vải vóc, quần áo... thì đến khoảng mùng 6 hoặc mùng 8 mới mở cửa phục vụ lại. Theo Ban Quản lý chợ Tân Định (Q.1), Tết năm nay sức mua hàng hóa kém hơn so với năm ngoái, hầu hết các mặt hàng đều chậm. Vì vậy, sau Tết bà con tiểu thương khai trương bán lại sớm, nhằm thanh lý hết số hàng tồn kho. Riêng các siêu thị thuộc hệ thống Co.op Mart, Big C, Vinatex Mart đồng loạt khai trương vào ngày mùng 2 hay mùng 3 Tết.
Ngay trong ngày khai trương của các siêu thị, lượng khách vào mua sắm rất đông. Các mặt hàng tiêu thụ mạnh gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau củ, thức uống. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng tươi sống vẫn còn khá cao.
Bà Lê Thị Diệu Minh, Phó Giám đốc Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) cho biết, hàng hóa ở siêu thị đã được bổ sung khá đầy đủ và giá bán vẫn không có gì thay đổi.
Cá, tôm, cua được chọn nhiều sau ngày Tết
Ngoài ra, các loại dịch vụ ăn uống, vận chuyển, giữ xe cũng còn “ăn theo” giá Tết. Chẳng hạn, giá gas bán lẻ một số nơi đã tăng thêm 8.000 - 10.000 đồng/bình lọai 12 - 13kg, phở bình dân 5.000 - 0.000đồng/tô so với ngày thường.
Riêng các sạp hàng đồ khô ở các chợ Bến Thành (Q.1), An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6)... nhiều khách hỏi mua tôm khô, mực tẩm..., để cho “người nhà” là Việt kiều mang ra nước ngòai làm quà biếu khi trở về nơi sinh sống, nên vẫn là những mặt hàng có sức mua“nóng”, do đó giá cũng chưa giảm so với trước tết, trong đó tôm khô loại 2 đã lên 800.000 - 900.000đ/kg, loại 3 từ 650.000 - 700.000đồng/kg...
trần nhã