TP.HCM nhận trung bình mỗi năm 12.000 đơn tố cáo, khiếu nại
Gateway Thảo Điền - một dự án bất động sản có nhiều khiếu nại về đất đai |
Ngày 31/8, TP.HCM đã tổng kết lại 3 năm thực hiện đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 – 2016 trên địa bàn TP.HCM”.
Kết quả cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân TP nhiều và phức tạp so với các địa phương khác trong cả nước. Trong giai đoạn các năm 2011 – 2013, cũng như 6 tháng đầu năm 2016, lượng đơn phải xử lý trên toàn địa bàn TP là rất nhiều, trung bình 12.000 đơn/năm. Trong đó, đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết chiếm khoảng 50%.
Đáng chú ý, lượng đơn tố cáo nặc danh nhiều. Ngoài ra đơn có tiêu đề tố cáo nhưng thực chất chỉ là phản ánh, kiến nghị hoặc không có chứng cứ chứng minh nội dung tố giác. Thậm chí có trường hợp mạo danh hay ký đơn tập thể để tố cáo.
Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, những khiếu kiện, tố cáo của người dân xoay quanh nhiều về vấn đề xây dựng sai quy hoạch. Ngoài ra, phần lớn các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng đất là nhiều nhất.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu vấn đề, các vị lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải có nhiệm vụ gặp trực tiếp người dân 1 – 2 lần/tháng, nhưng thời gian qua, nhiều vị đã lấy cớ họp cấp cao hơn và phân cho cấp phó gặp người dân thay mình.
Kết quả tổng kết cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn tại một số vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, thậm chí khiếu nại vượt cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ vụ việc khiếu nại sai vẫn chiếm đa số, từ 75% trở lên. Mặc khác, lượng đơn khiếu nại, tố cáo gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phải xử lý “chuyển, trả, lưu” vẫn chưa giảm, chiếm khoảng 30 – 35% trong tổng số đơn nhận toàn TP.HCM.