TP.HCM: Năm 2015 có 698 người chết vì tại nạn giao thông
Hiện nay, TP.HCM đang quản lý gần 7,5 phương tiện giao thông (trong đó có hơn 556 ngàn xe ô tô, hơn 6,8 triệu xe mô tô, gắn máy). |
Theo thông cáo báo chí của Phòng CSGT ĐB-ĐS, thời gian từ tháng 11/2014-11/2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 782 vụ TNGT đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 698 người chết, 277 người bị thương, 1.082 phương tiện bị hư hỏng. So với cùng kỳ năm trước giảm 77 vụ (-9%), giảm 12 người chết (-2%), giảm 43 người bị thương (-13%).
Tại cuộc họp báo, Trung tá Huỳnh Trung Phong trao đổi về việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo Trung tá Phong, thông tư số 57/2015/TT-BCA 26/10/2015 của Bộ công an về hướng dẫn trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 6/1/2016 quy định bắt buộc các phương tiện tham gia giao thông sau phải trang bị lắp đặt phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Các ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ…
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ thuộc các loại 1,2,3,4 và 9 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP không phụ thuộc vào số chỗ ngồi phải được trang bị phương tiện và chữa cháy.
Mức xử phạt: phạt tiền từ 300-400 ngàn đồng đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại tương tự xe ô tô điều khiển xe không có thiết bị chữa cháy hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với những loại xe quy định phải có thiết bị đó).
Đồng thời, Trung tá Huỳnh Trung Phong cũng trao đổi về vấn đề “nóng” liên quan đến tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ.
Theo Trung tá Phong, qua thực tiễn các trường hợp cản trở, chống người thi hành công vụ đã xảy ra, Phòng CSGT ĐB-ĐS đánh giá việc dẫn đến xảy ra vụ việc chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân sau.
Do những hạn chế nhận thức các quy định pháp luật của người dân đối với hoạt động tham gia giao thông và công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT.
Một số đối tượng cố tình vi phạm, cố tình không nhận lỗi vi phạm của mình, có những lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm nặng nề đến nhân cách người đang thi hành công vụ nhằm làm cho người thi hành công vụ mất bình tĩnh có phản ứng lại, từ đó đối tượng có cơ hội phản bác, kêu gọi kích động người khác tham gia phản bác, thậm chí bất chấp luật sẵn sàng tấn công đe dọa an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.
Nhằm phòng ngừa có hiệu quả không để xảy ra tình trạng cản trở và chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức quán triệt đến từng cán bộ chiến sĩ (CBCS) về các Thông tư quy định về quy trình xử lý…
Ngoài ra còn quán triệt CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải luôn giữ đúng tư thế, tác phong, ngôn ngữ.. và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn văn hóa ứng xử, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao kỹ năng xử lý vi phạm cho CBCS.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Phòng CSGT ĐB-ĐS sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, không để ùn tắc giao thông xảy ra, kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý triệt để tình trạng chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép…