TP.HCM: Khống chế ổ dịch cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ
BS Nguyễn Hữu Hưng kiểm tra Khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ sáng 4/6 |
Tại buổi kiểm tra công tác xử lý ổ dịch cúm A/H1N1 của Sở Y tế TP.HCM sáng 4/6, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, đến 12h ngày 4/6, Khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ đã tiếp nhận lại bệnh nhân sau khi tiến hành khử khuẩn kỹ càng. Về cơ bản, ổ dịch cúm A/H1N1 đã được khống chế.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, đến ngày 4/6, gần như toàn bộ các bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm cúm đã được xuất viện sau khi điều trị ổn định, không phát sinh thêm trường hợp có dấu hiệu nhiễm cúm. Hiện Khoa Nội soi chỉ còn 5 trường hợp nội trú, trong đó có một trường nhiễm cúm đã hết sốt và 4 trường hợp không có triệu chứng nhiễm cúm đang điều trị.
5 trường hợp mắc cúm còn đang điều trị tại Khoa Nội soi |
Trong 2 ngày qua, Bệnh viện Từ Dũ đã khẩn trương tiến hành khử khuẩn toàn bộ khu vực lầu 5, tòa nhà M - nơi phát sinh ổ dịch - như lau bề mặt, phun xông tất cả các phòng, ngưng tiếp nhận bệnh nhân. “Như vậy, về cơ bản, ổ dịch đã được khống chế và đến 12 giờ trưa 12/6, chúng tôi tiếp nhận lại bệnh nhân tại Khoa Nội soi”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi khẳng định.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tối đa cho thai phụ, nhất là những thai phụ mang thai dưới 12 tuần tuổi, Bệnh viện Từ Dũ đã chủ động sắp xếp một khu vực khám thai riêng hoặc hẹn dời lịch khám đối với những trường hợp này nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Trực tiếp kiểm tra Khoa Nội soi, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đánh giá cao nỗ lực phát hiện bệnh và khống chế kịp thời ổ dịch của Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng đây cũng là bài học cảnh báo về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở y tế, đặc biệt là những cơ sở y tế đông bệnh nhân.
Khoa Nội soi, nơi phát hiện ca mắc cúm H1N1 |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng đề nghị Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố tiếp tục giám sát các ca bệnh ít nhất trong 2 tuần nữa. Đồng thời rà soát lại quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện; thông tin, tuyên truyền, giáo dục thói quen rửa tay cho nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân người bệnh.
Trước đó, ngày 1/6, các bác sĩ Khoa Nội soi Bệnh viện Từ Dũ phát hiện một số trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ. Đến chiều tối, số người mắc bệnh lên đến 23 người. Trước sự lây lan quá nhanh, ngay lập tức bệnh viện nhận định có sự lây nhiễm siêu vi, có thể là cúm mùa và lập tức báo cho Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Trong tối 1/6, Bệnh viện Từ Dũ đã gửi 18 mẫu máu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để làm xét nghiệm. Kết quả vào sáng 2/6 cho thấy, có 16 người dương tính với cúm A/H1N1. Tính đến ngày 2/6, đã có 28 người có biểu hiện nhiễm cúm, trong đó có 8 nhân viên y tế.
Ngay lập tức, Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành cách ly, điều trị và cho uống thuốc dự phòng đối với 83 người có lui tới Khoa Nội soi trong mấy ngày trước đó. Ổ dịch cúm A/H1N1 cũng khiến 37 trường hợp mổ phụ khoa bị hoãn lại.
Vệ sinh, khử khuẩn tại Khoa Nội soi |
Song song với biện pháp cách ly, điều trị, bệnh viện đã tiến hành khử khuẩn cuốn chiếu (lau bề mặt, xông phun) toàn bộ khu vực lầu 5 tòa nhà M, nơi phát hiện bệnh. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đã tăng tần suất làm sạch lên 6 lần/ngày, đồng thời khử khuẩn, xông phun cả khu chụp X-quang.
Tính đến sáng nay (4/6), bệnh viện chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới, đồng thời các trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 đã hết sốt.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, cúm A/H1N1 là loại cúm mùa khá lành tính với các triệu chứng bao gồm sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Hầu hết người nhiễm cúm tự hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt nếu người nhiễm cúm thuộc nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ mang thai, người có sức đề kháng yếu, người mắc các bệnh mãn tính.
Để hạn chế lây truyền cúm, bệnh nhân nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, rửa tay thật kỹ và đều đặn. Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là tiêm chủng ngừa cúm mỗi năm.