TP.HCM: Cư dân ngậm đắng nuốt cay vì chủ đầu tư “bỏ quên” tiện ích
Tiện ích chỉ có… trên giấy
Tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư khi mở bán dự án đã “nổ” về những tiện ích mà cư dân tương lai sẽ được hưởng. Để rồi khi nhận bàn giao nhà, dọn vào sinh sống, không ít cư dân cảm thấy thất vọng vì thực tế không như quảng cáo. Nhiều tiện ích “có cũng như không” hay liên tục trục trặc gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ.
Bị cư dân phản đối gay gắt nhất có thể kể đến là chung cư The Easter City – 6B trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Hiện nhiều vấn đề liên quan đến các tiện ích gây bức xúc cho cư dân nơi đây vẫn chưa được chủ đầu tư trả lời thoả đáng.
Anh T, cư dân đang sống tại dự án này cho biết, trong hợp đồng mua căn hộ có nêu rõ các hạng mục thuộc sở hữu chung của cư dân như công viên, hồ bơi, khu thể thao… nhưng thực tế từ khi nhận bàn giao từ cuối năm 2015 đến nay anh chưa hề được sử dụng các tiện ích này, nhất là hồ bơi khi chưa biết có xây hay không và bao giờ hoàn thiện?
![]() |
Cư dân tại chung cư The Easter City bức xúc vì chủ đầu tư bỏ quên tiện ích. |
Theo anh T, thang máy khiến cư dân cảm thấy khó chịu nhất khi sử dụng. Dù ban quản lý đã sửa chữa, bảo trì nhiều lần nhưng tình trạng không dừng đúng tầng, phát ra tiếng kêu như máy cày khi hoạt động hay thậm chí cư dân còn bị kẹt bên trong vẫn diễn ra. Trước đó, một số khu vực bề mặt ngoài dự án còn có hiện tượng thấm.
“Cư dân nhiều lần gửi ý kiến phản ánh về chất lượng công trình, đốc thúc chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn dang dở cho đúng với thiết kế được duyệt nhưng vẫn mòn mỏi chờ. Đây là những tiện ích đáng ra chúng tôi phải được hưởng chứ không phải đi xin” - anh T. bức xúc và cho biết vì không có ban quản trị nên cư dân không biết lấy ai làm đại diện.
Để chuẩn bị cho Hội nghị nhà chung cư lần đầu và tiến tới bầu ra ban quản trị, mới đây Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai thông báo sẽ tổ chức lấy ý kiến cư dân theo từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm cư dân của 5 tầng chung cư và cứ nửa tháng sẽ họp một lần.
Nhiều cư dân không đồng tình với cách lấy ý kiến này. Họ cho rằng việc chia nhỏ từng nhóm sẽ khó thống nhất ý kiến và kéo dài thời gian.
Trong khi đó, chung cư The Easter City hiện đã đủ điều kiện tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu vì tỷ lệ cư dân lấp đầy hơn 50% và đã bàn giao nhà trên 1 năm. Do đó, tại sao không tổ chức hội nghị một lần?
Tẩy chay chủ đầu tư "lừa" khách hàng
Bên cạnh tiện ích, vấn đề khiến nhiều cư dân sống tại các chung cư quan tâm nhất hiện nay là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (còn gọi là sổ hồng). Một số dự án cư dân nhận bàn giao nhà, sinh sống thời gian dài, có trường hợp cả chục năm trời, vẫn không được cấp sổ hồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn chậm trễ trong việc cấp sổ hồng cho cư dân, trong đó phổ biến nhất là chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Điều này khác xa với những lời tư vấn ngon ngọt vào thời điểm khách hàng mua căn hộ.
Đây là tình cảnh mà cư dân ở chung cư 4S Riverside Linh Đông, quận Thủ Đức, do Công ty TNHH xây dựng Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư, đang phải chịu đựng.
Anh C, cư dân đang sinh sống tại chung cư này cho hay, hơn 3 năm qua anh sống trong nhà của mình mà như đi ở thuê, không thấy “hình dáng” sổ hồng như thế nào dù khi mua được tư vấn sau 1 năm nhận bàn giao sẽ được cấp.
Theo tìm hiểu của anh C, sở dĩ chậm trễ trong việc làm sổ hồng bởi dự án này có tới 4 block, chủ đầu tư phải chờ bàn giao xong block cuối cùng thì mới bắt đầu các thủ tục làm sổ hồng. Đồng nghĩa, cư dân 3 block còn lại sẽ phải tiếp tục chờ.
Vấn đề khiến cư dân 4S Riverside Linh Đông không đồng tình gần đây là chuyện đặt biển hiệu trên nóc chung cư. Theo cư dân, thay vì phải đặt biển hiệu tên của chung cư là “4S Riverside Linh Đông” thì chủ đầu tư lại đặt biển hiệu “4S Thành Trường Lộc”.
Các cư dân cho rằng việc đặt tên biểu hiện này gây nhầm lẫn bởi đây là địa chỉ trên tất cả các giao dịch của họ, đồng thời việc gắn tên chủ đầu tư như trên là một hình thức quảng cáo nhưng lại chưa lấy ý kiến cư dân.
Theo chuyên gia địa ốc Nguyễn Bảo Vinh, khách hàng khi mua nhà họ không chỉ mua phần diện tích để ở mà còn nhắm đến các yếu tố về tiện ích nội khu, kết nối hạ tầng giao thông với bên ngoài.
Nắm bắt tâm lý này, một số doanh nghiệp khi mở bán dự án thường “nổ” về các tiện ích để bán được hàng. Sau khi bán xong thì bỏ mặc môi trường sống của khách hàng, đây là kiểu làm ăn chụp giật và người tiêu dùng cần lên án, tẩy chay.
Ông Vinh cho rằng, vì không có những quy định ràng buộc chặt chẽ cũng như chế tài đủ mạnh đối với việc chây ì, kéo dài thời gian hoàn thiện tiện ích, hạ tầng nên một số chủ đầu tư “nhờn thuốc”, không thực hiện như cam kết. Dẫn đến thực trạng cư dân đã dọn vào sinh sống nhưng các tiện ích vẫn dở dang, không sử dụng được.
Ở tầm vĩ mô, sẽ tạo ra sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực mà lẽ ra đã được quy hoạch đồng bộ.
Theo ông Vinh, không thể để tình trạng một chủ đầu tư hết lần này đến lần khác đưa khách hàng “vào tròng”, nếu dự án này làm không đến nơi đến chốn cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh khi xem xét phê duyệt dự án tiếp theo.
Luật sư Nguyễn Thuý Lệ Huyền (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, để tránh rơi vào các tranh chấp sau này, khi ký hợp đồng mua bán căn hộ khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản, trong đó lưu ý những quy định về tiện ích chung và riêng.
Đặc biệt, với những cam kết của chủ đầu tư thì khách hàng cần yêu cầu bổ sung chế tài đi kèm, có như vậy quyền lợi của người mua nhà mới được đảm bảo.