TP.HCM: Cầu sập chưa khắc phục, người dân chèo ghe đưa trẻ đi học
Cầu sập nhiều người hỏi đường đi
Những hộ dân sinh sống tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cho biết cầu sắt Cái Tâm với chiều dài gần 50m, ngang 3m với tổng vốn đầu tư 3 tỉ đồng được xây dựng từ năm 2008. Đây là cây cầu huyết mạch phục vụ cho việc đi lại của người dân địa phương.
Hình ảnh cầu sắt Cái Tâm bây giờ như đống sắt vụn. |
Thế nhưng sự cố chiếc tàu kéo theo sà lan lưu thông trên sông Chợ Đệm (hướng từ cầu Bình Điền về bãi cát Thạch Trung) va vào cầu Cái Tâm và kéo sập cầu xuống sông vào rạng sáng ngày 12/7 đã khiến cây cầu hư hỏng nặng. Đến nay đã hơn ba tháng cây cầu vẫn chưa được khắc phục sữa chữa.
Theo ghi nhận của phóng viên, hai bên đầu cầu đã được cơ quan chức năng có trưng biển thông báo cầu sập, phía bờ sông Chợ Đệm ấp 4, xã Tân Nhựt cây cầu trước kia bắc qua sông nay thành một đống sắt nằm ngổn ngang.
Bà Nguyễn Thị Trầm (ngụ ấp 6 xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) cho biết: từ khi cây cầu sập người dân đi lại khó khăn đã đành, chỉ tội mấy đứa học sinh học trường bên kia sông các cha mẹ giờ phải thu xếp thời gian mà đưa con đi học. Ai có xe thì đi vòng đường dẫn lên cao tốc Trung Lương còn nhà nào không có xe thì phải chèo ghe đưa con qua sông đến trường.
“Tôi lớn tuổi không đi xe máy được nên phải chèo ghe đưa đón tụi nhỏ đi học. Biết là nguy hiểm, nhưng mình cũng chỉ biết mặc áo phao cho tụi nhỏ rồi ráng mà đưa qua sông chứ cũng không có cách nào”, bà Trầm chia sẻ.
Băng - rôn thông báo "cầu sập cấm đi" của cơ quan chức năng địa phương. |
Đang chờ đầu tư xây cầu bê tông
Chỉ tay về phía cây cầu bị xà lan kéo sập hơn ba tháng nay, ông Dương Công Thành cho hay, dù cơ quan chức năng có để biển thông báo cầu sập, thế nhưng hàng ngày vẫn có đến vài chục xe cộ, phương tiện chạy vào khu vực rồi lại chạy ra hỏi đường để lưu thông qua bên kia sông.
“Mình sống tại khu vực từ ngày cầu sập đi lại còn gặp khó khăn nói gì người dân từ nơi khác không rành đường, hỏi rồi đi lòng vòng cũng chưa chắc qua được sông”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, thay vì qua cầu dễ dàng và nhanh chóng như trước đây, hằng ngày học sinh đến trường hay công nhân đi làm phải đi vòng xa hơn ba cây số. Nhiều người đêm hôm khuya khoắt không dám đi vào những đoạn đường vòng này vì thiếu ánh sáng, sợ gặp cướp.
Người dân địa phương phải chèo ghe đưa con qua sông đến trường. |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Văn Lũy - Chủ tịch xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cho biết: Từ khi cây cầu sập người dân trên địa bàn phải đi theo đường dẫn Sài Gòn - Trung Lương và hiện nay hai con đường dẫn đã xuống cấp trầm trọng nhiều "ổ voi" nên xã đang vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân ủng hộ để chắp vá đường cho người dân lưu thông dễ dàng hơn. Đồng thời kiến nghị Khu quản lý giao thông đô thị số 4 sớm đầu tư hai đường dẫn này.
UBND xã Tân Nhựt cũng đã kiến nghị lên UBND huyện Bình Chánh nhưng vẫn đang chờ huyện kiến nghị lên thành phố xin vốn đầu tư để xây dựng mới cây cầu bê tông. Các trường hợp hộ dân chèo ghe đưa con đi học qua sông là rất nguy hiểm, xã sẽ cho người xuống kiểm trả nhắc nhở để tránh những tai nạn đường thủy xảy ra (bởi đây là đoạn gần ngã 3 tàu ghe qua lại tạo thành dòng nước xoáy rất nguy hiểm) - ông Lũy cho hay.
Cây cầu Cái Tâm được xây dựng vào năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỉ (trong đó vốn dân 1,5 tỉ vốn nhà nước 1,5 tỉ). Cầu được làm bằng sắt, mặt đường tráng nhựa với chiều dài gần 50m, ngang 3m.
Trao đổi với phóng viên, người dân nơi chỉ có chung một mong muốn là cơ quan chức năng quan tâm sớm sửa chữa hoặc xây dựng cây cầu khác để bà con có thể qua sông thuận lợi và an toàn.