TP.HCM: Căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm 68,7% thị trường
Đó là thông tin được Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) công bố.
Nhà vừa túi tiền chiếm ưu thế
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, các tranh chấp chủ yếu tại các chung cư ở TP.HCM hiện nay có nguyên nhân từ chính các chủ đầu tư. Cụ thể, nhiều chủ đầu tư chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì. Nhiều tranh chấp nảy sinh về phần sở hữu chung trong chung cư như nhà để xe, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê, phòng sinh hoạt cộng đồng… Nhiều dự án chưa đủ điều kiện, không đảm bảo an toàn nhưng chủ đầu tư vẫn bàn giao cho người mua vào ở.
Gay gắt nhất là những trường hợp chủ đầu tư không làm giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà (sổ hồng) qua nhiều năm. Trong đó, có chủ đầu tư thế chấp dự án và căn hộ cho ngân hàng nhưng khi bán cho khách hàng lại không giải chấp.
Nhà ở có giá bán vừa túi tiền đang chiếm ưu thế trên thị trường BĐS TP.HCM trong nửa đầu năm 2017. |
Đánh giá về thị trường nhà ở thương mại 6 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch HoREA cho hay, đang có tín hiệu đáng mừng khi nhiều chủ đầu tư tái cơ cấu sản phẩm theo hướng chú trọng phát triển căn hộ quy mô vừa và nhỏ, tức căn hộ từ 1 – 2 phòng ngủ, đáp ứng nhu cầu thật của người có thu nhập thấp và trung bình.
Cụ thể, nửa đầu năm 2017 tại TP.HCM, có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 16.506 căn. Trong đó, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm 68,7%. Tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng nhà ở chào bán trong nửa đầu năm nay đã giảm.
Một minh chứng cho thấy thị trường địa ốc vẫn thu hút sự quan tâm đầu tư và giới khởi nghiệp là số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này không ngừng gia tăng. Tính đến cuối năm 2016, toàn thành phố có 13.220 DN BĐS. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 18.000 DN thành lập mới thì chiếm 1/3 trong số đó là DN BĐS.
Hạ nhiệt kịp thời cơn sốt đất nền
Theo ông Lê Hoàng Châu, hai “sự kiện lớn” tác động đến thị trường địa ốc nói chung và tại TP.HCM nói riêng trong nửa đầu năm qua đó là cơn sốt đất nền vùng ven và việc công bố 60 dự án nhà ở sử dụng quỹ đất do thực hiện cổ phần hoá DN Nhà nước.
Với cơn sốt giá đất nền phân lô ở các quận huyện vùng ven, nhờ có những chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Thành phố cũng như sự vào cuộc của các ban ngành nên đã hạ nhiệt kịp thời, qua đó giúp minh bạch thông tin về quy hoạch, chính sách tách thửa đất ở của Thành phố.
Còn với thông tin Bộ Tài chính công bố danh sách 60 dự án nhà ở sử dụng quỹ đất do thực hiện chủ trương cổ phần hoá DN hoặc di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp, dù chỉ chuyển cơ quan Thanh tra Chính phủ tham khảo trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra về đất đai năm 2017 nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, việc này đã tác động không chỉ đến chủ đầu tư mà cả người mua nhà.
Dự báo diễn biến thị trường địa ốc nửa cuối năm 2017, Chủ tịch HoREA cho rằng thị trường sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng sẽ tiếp tục xu thế chững lại của năm 2016. Để thị trường trở lại hướng phát triển ổn định và bền vững hơn, ông Lê Hoàng Châu dự báo phải vào giai đoạn 2017 – 2020, khi có những sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung – cầu như hiện nay.
“Sẽ có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang phân khúc nhà ở có giá bán vừa túi tiền. Xu thế hợp tác giữa các DN sẽ là tất yếu, đồng thời hoạt động mua bán sáp nhập DN và chuyển nhượng dự án sẽ mạnh mẽ hơn nhất là sau ngày 15/8/2017, thời điểm Nghị quyết về xử lý nợ xấu có hiệu lực”, Ông Lê Hoàng Châu dự đoán.
Trong nửa đầu năm 2017, TP.HCM huy động vốn ước khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm ngoái. Dư nợ tín dụng đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 10%. Dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn TP.HCM 6 tháng đầu năm nay không biến động nhiều, luôn chiếm 10% tổng dư nợ.
Lượng kiều hối về TP.HCM trong 6 tháng qua đạt 2,1 tỷ USD, tăng 50 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê qua các năm, có khoảng 20% lượng kiều hối đổ vào lĩnh vực BĐS. Nửa năm qua, TP.HCM thu hút được 2,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó có 50,3 triệu USD đầu tư vào BĐS, chiếm 12,82%, và có khả năng sẽ còn gia tăng trong nửa cuối năm 2017 bởi nhiều hợp đồng đầu tư BĐS đang trong quá trình thương thảo.