TP. HCM: Mở cửa với báo chí, công khai với dân
![]() |
Các cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội của TP.HCM luôn thu hút sự quan tâm của báo chí. |
Hy vọng từ dàn lãnh đạo mới
“Trong các mối quan hệ giúp đỡ tôi thì truyền thông là lĩnh vực tôi rất cần” – ông Nguyễn Thành Phong đã trả lời các phóng viên như vậy ngay trong buổi họp vào ngày 11/12/2015 - ngày mà ông trở thành Chủ tịch UBND TP.HCM.
Câu trả lời này không chỉ khiến các phóng viên “mát lòng” bởi chắc chắn từ đây, công việc của họ sẽ thuận lợi hơn, mà ngay cả người dân cũng thấy vui lây bởi biết rằng, họ sẽ được tiếp cận nhiều hơn với chính quyền – nơi từ trước đến nay dường như vẫn khiến họ có phần e ngại.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, TP.HCM được đánh giá là nơi khá “kín tiếng” với báo chí. Điều này không chỉ thể hiện ở sự thiếu chủ động cung cấp thông tin về những sự kiện sắp xảy ra, mà ngay cả khi sự kiện đã xảy ra thì các cơ quan chức năng dường như vẫn ở phía bị động khi đưa tin tức chính thống đến công chúng.
Có thể lấy ví dụ những cuộc họp về tình hình Kinh tế - Xã hội hàng tháng trước đây để minh chứng cho điều này. Dù là cuộc họp thường kỳ nhưng đa số báo chí chỉ được tham dự trong khoảng 15 phút đầu tiên – thời gian mà giám đốc các sở ngành thay nhau đọc số liệu từ một bản báo cáo sẵn có và ai cũng được cung cấp.
Trong khi đó, tại phần thảo luận, lúc những phản biện được các bên đưa ra, là phần hấp dẫn nhất trong bất kỳ cuộc họp nào, thì báo chí lại bị “mời ra ngoài”. Nhắc lại như vậy để thấy được rằng, ông Phong đã thật sự thổi một luồng gió mới vào hoạt động cung cấp thông tin.
Ngày 27/2, ông Đinh La Thăng chính thức được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Sự xuất hiện của ông tiếp tục khiến báo giới hy vọng vì từ trước đến nay, ông vốn được coi là người thẳng thắn và “không ngại, không sợ” báo chí.
Thực tế sau đó chứng minh rằng sự kỳ vọng đã trở thành sự thật. “Phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để người dân được biết và giám sát” – câu nói và cũng là chỉ đạo của ông Thăng xuất hiện liên tục trong những cuộc họp sau đó đã cho thấy vị cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vẫn kiên định quan điểm của mình.
Không chỉ với báo chí, một vấn đề khác cũng được cả hai vị lãnh đạo Thành phố đặt lên hàng đầu là tiếp nhận phản ánh của người dân. Ngày 21/2/2016, ông Đinh La Thăng quyết định công bố số điện thoại đường dây nóng (0888 247 247) để tiếp nhận phản ánh của người dân trên tất cả các lĩnh vực tại Thành phố.
Trước đó, ngày 18/2, ông Nguyễn Thành Phong cũng thẳng thắn cho biết: “Nếu cơ quan nhà nước còn sự trì trệ nào thì doanh nghiệp hãy gọi cho tôi”, và nhấn mạnh rằng cán bộ “dám nhận chức vụ thì phải thấy hết trách nhiệm, còn nếu thấy không đảm đương được thì hãy xin nghỉ”.
![]() |
TP.HCM đã cho thấy những thay đổi rõ nét trong việc cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông. |
Người dân nhiệt liệt đón nhận
Những lời hứa của các lãnh đạo TP.HCM đã sớm trở thành sự thật và sự đón nhận nhiệt thành của người dân đã cho thấy trước đây ước mong “được nói” của người dân đã bị dồn nén như thế nào.
24 giờ đầu tiên khi “đường dây nóng của Bí thư Thăng” được công khai, số điện thoại này luôn luôn tắc nghẽn. Bản thân người viết cũng đã phải gọi tới hơn 20 cuộc liên tục mới gặp được người trực tổng đài, dù lúc đó là 23h30.
“Chúng tôi nghe đến “cháy máy” và phải thay phiên nhau đi ăn cơm” – người trực máy cho biết, và cũng chính anh này xác nhận đa số các cuộc gọi trong ngày là để phản ánh các vấn đề bức xúc thực sự chứ không phải chỉ để “kiểm tra” như nhiều người lo ngại.
Chưa đầy hai ngày sau đó, đường dây nóng này đã nhận được khoảng 1.200 cuộc gọi và 800 tin nhắn. Gần 1 tháng sau, con số này là gần 6.000 cuộc gọi và 4.000 tin nhắn. Trong một cuộc họp báo gần đây, bà Thái Thị Bích Liên, Chánh Văn phòng Thành ủy cho biết, trong số 3.480 cuộc gọi đầy đủ thì những phản ánh về lĩnh vực quản lý đô thị chiếm khoảng hơn 20%, an ninh trật tự hơn 14%, khiếu nại tố cáo 10%, y tế 6%, môi trường 5,4%, văn hóa xã hội khoảng 3,4%, cải cách hành chính 1,29%, những vấn đề khác khoảng 43%.
Tương tự, về phía UBND TP.HCM cũng có những “chuyển động” rất nhanh. Cuối tháng 3 vừa qua, dấu “MẬT” trên lịch làm việc của lãnh đạo Thường trực Ủy ban đã được bỏ đi sau một thời gian dài công bố một cách “nửa vời” . Trước đó, dù UBND đã công bố lịch làm việc trên website nhưng chỉ có 1 số nội dung chính mà hoàn toàn không có ngày giờ hay lãnh đạo chủ trì.
Kể từ đó đến nay, cứ mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, mọi người đều có thể vào website của Văn phòng Thành ủy và xem lịch làm việc của các lãnh đạo với những thông tin rất rõ ràng. Liên quan đến việc này, vào cuối tháng 2/2016, khi trả lời báo chí, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, đôi khi một hai tuần mới có nội dung mật nhưng vì dấu “Mật” mà “chúng ta làm khổ nhau”.
Sở dĩ ông Hoan nói vậy là vì các phóng viên theo dõi hoạt động của UBND TP.HCM thường phải tìm cách để có được lịch làm việc khi bắt đầu tuần mới, nên “nói mật mà ai cũng biết cả”.
Tin vui nối tiếp tin vui, vào ngày 24/3/2016, UBND TP.HCM tiếp tục mở cửa thêm “Phòng báo chí” để phóng viên tác nghiệp. Ngay sau đó, các phóng viên đã có thể ngồi tại căn phòng này và theo dõi trực tiếp diễn biến của cuộc họp qua một màn hình tivi lớn đặt trong phòng cùng hệ thống âm thanh rõ ràng. Không chỉ vậy, nhiều tài liệu của cuộc họp đã được để sẵn trong chiếc máy tính đặt tại phòng và phóng viên có thể copy bất cứ lúc nào, thậm chí tại đây có cả nước nóng và trà túi lọc.
Chính vì những thuận lợi này mà ngay trong ngày “khai trương”, phòng báo chí đã rất “đắt khách”, tất cả các ghế ngồi đều được lấp kín. Trước đó, các phóng viên được bố trí ngồi tác nghiệp phía cuối phòng họp, do phòng chật nên cảnh chen chúc, đứng ngồi lố nhố thường xuyên diễn ra.
Để quản lý việc này, cũng trong ngày 24/3, Văn phòng UNND đã phát cho các phóng viên “Thẻ ra vào trụ sở UBND TP”. Theo đó, khi có chiếc thẻ này, phóng viên có thể quan sát các cuộc họp từ “Phòng thông tin báo chí” nói trên.
Gần đây nhất, thêm một sự chủ động của UBND đã cho thấy hoạt động cung cấp thông tin đã dần trở thành nề nếp. Đó là cuộc họp báo để thông tin về chuyến đi Nhật trước đó của đoàn lãnh đạo Thành phố – một cuộc họp báo chưa từng có tiền lệ, với giấy mời được chuyển đến tận văn phòng các cơ quan báo chí.
Và ngay trong cuộc họp báo hôm đó, ông Võ Văn Hoan đã giải đáp thắc mắc của các phóng viên. Theo ông Hoan, đây không phải là tiền lệ để tổ chức các buổi họp báo sau mỗi chuyến đi, tuy nhiên từ nay, hoạt động này sẽ linh hoạt hơn, và cái gì cấp thiết, cần sự “chung sức đồng lòng” thì sẽ mạnh dạn công bố cho người dân biết.
“Sau chuyến đi lần này, đồng chí Chủ tịch UBND thấy rằng việc thông tin đến báo chí càng sớm càng hay để mọi người dân đều được biết, từ đó cùng tham gia phát triển kinh tế của Thành phố” – ông Hoan nói.
Nội dung trả lời của ông Hoan và các lãnh đạo tham dự sau đó đã làm hài lòng tất cả những người quan tâm bởi không chỉ thông tin về cuộc họp mà còn cả những thông tin về các vấn đề khác cũng được trả lời rất rõ ràng, dứt khoát.
Những động thái trên của các lãnh đạo TP.HCM nhận được những phản hồi rất tích cực của người dân. Điều đó chứng minh khoảng cách giữa chính quyền và đối tượng mình phục vụ đã được rút ngắn. Tuy nhiên, điều tốt nhất mà những thay đổi này mang lại là bộ máy hành chính biết mình phải làm gì, và khi người dân có nhiều kênh để phản ánh cũng đồng nghĩa rằng việc giám sát sẽ tăng lên. Tất cả những điều đó là cơ sở cho những cải cách theo hướng tích cực trong thời gian tới đây.