TP.HCM cần hơn 70.000 lao động trong quý II/2023
Tại buổi họp báo chiều 6/4, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã thông tin cụ thể về tình hình lao động trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trong quý I/2023, do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp đã không tăng ca, giảm giờ làm, khiến người lao động bị giảm thu nhập. 3 tháng qua, có 9 doanh nghiệp đã gửi thông báo cho 537 lao động thôi việc, tăng 481 người so với cùng kỳ; số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 32.355 người, trong đó, đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 28.618 trường hợp.
Để đánh giá tình hình lao động trong quý đầu năm, Phó Giám đốc Sở cho biết, đơn vị đã khảo sát tại 3.917 doanh nghiệp. Kết quả, tỷ lệ doanh nghiệp giảm lao động chiếm 31% (số lao động giảm là 19.524 người); số doanh nghiệp tăng lao động chiếm 18%, tương đương 5.239 lao động.
Về tình hình lao động trong quý II/2023, có 71,78% doanh nghiệp cho hay, sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định lực lượng lao động; 20,95% đơn vị dự kiến tăng lao động; 7,27% doanh nghiệp dự kiến giảm công nhân.
Nguyên nhân chính dẫn tới giảm lao động là do thiếu đơn hàng (chiếm 41,05%); không tái ký hợp đồng lao động hết hạn (chiếm 46,14%) và một số lý do khác, ông Lâm thông tin.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM tính toán, trong quý này, nhu cầu nhân lực cần khoảng 67.000-73.000 người. Cụ thể, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu là 14.000-15.000 lao động; nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 38.800–42.300 người.
Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ.
Trong quý II/2023, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM dự kiến, tổ chức 47 phiên, sàn giao dịch việc làm; trong đó, có 3 sàn giao dịch việc làm trực tuyến phối hợp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Trần Chung