Tổng thư ký Quốc hội: Tôi chưa thấy đơn xin thôi ĐBQH của ông Cự
Nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự xin thôi đại biểu Quốc hội khóa XIV |
Một số báo thông tin Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa xác nhận, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội khóa XIV với lý do sức khỏe.
Đơn xin thôi đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự được gửi tới Ban Công tác đại biểu sau khi có kết luận của Ban Bí thư TƯ Đảng về việc thi hành kỷ luật đối với ông này và một số cá nhân vì có những sai phạm liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra.
Cụ thể, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cách toàn bộ các chức vụ của ông Cự trong giai đoạn ông này đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo cao nhất tại tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2005 đến 2016, sau khi xác định cựu Bí thư – Chủ tịch tỉnh này phải chịu trách nhiệm chính khi ký nhiều văn bản cấp phép cho Formosa hoạt động. Ban Bí thư cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét các biện pháp hành chính tương ứng với mức kỷ luật Đảng đã đưa ra với ông Võ Kim Cự.
ĐBQH có thể xin thôi làm nhiệm vụ và thẩm quyền chấp nhận thuộc về QH hoặc UBTVQH (trong thời gian QH không họp). Song thời điểm này đã gần sát kỳ họp thứ 3 của QH dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tới đây nên trường hợp của ông Cự sẽ báo cáo QH xem xét.
Tại Điều 40 Luật Tổ chức QH quy định việc bãi nhiệm ĐBQH khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm; Trong trường hợp QH bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành; Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do UBTVQH quy định.
Song cho đến thời điểm này trình tự cụ thể để cử tri bãi nhiệm tư cách ĐBQH chưa được quy định.
Thời gian qua, các trường hợp QH bãi nhiệm tư cách ĐBQH đều được tiến hành theo 3 bước: 1. MTTQ Việt Nam (trung ương hoặc địa phương) nơi hiệp thương giới thiệu đại biểu đó ứng cử có văn bản đề nghị UBTVQH; 2. UBTVQH có nghị quyết đề nghị QH xem xét tư cách ĐBQH; 3. QH thảo luận, bỏ phiếu và thông qua nghị quyết bãi nhiệm tư cách ĐBQH của người được đề nghị.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UB Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét tư cách đại biểu đối với ông Võ Kim Cự tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
Tổng thư ký Quốc hội cũng nêu quan điểm cá nhân, khi một cá nhân nào đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì không thể làm đại biểu Quốc hội được nữa.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa này, ông Võ Kim Cự khi được UB Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu là với tư cách đại diện của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ông Cự được cử tri thị xã Hồng Lĩnh (huyện Vũ Quang, huyện Hương Sơn) và (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) bầu làm Đại biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 năm ngoái với tỷ lệ 75% phiếu hợp lệ.