Tổng thống Ukraine tới Israel xin lỗi, xin tiền, xin chống Nga
Các nỗ lực “ve vãn” Israel của Poroshenko
Trong những nỗ lực nhằm tìm kiếm đồng minh mới, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã có chuyến thăm 2 ngày đến Israel. Trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo Israel, ông Poroshenko đã không ngần ngại tìm mọi cách để thuyết phục Israel ủng hộ Ukraine chống Nga, từ việc nêu ra các mối đe dọa từ Nga đối với Ukraine và Israel, đến cả việc “không ngượng mồm” cho rằng dân tộc Ukraine và dân tộc Do Thái của Israel có chung cùng một nguồn gốc tổ tiên.
Tổng thống Ukraine Poroshenko và Thủ tướng Israel Netanyahu |
Hoạt động của ông Poroshenko trong thời gian ở Israel khá đa dạng khi tiến hành gặp gỡ với giới lãnh đạo Israel, Giáo hoàng xứ Jerusalem và có bài phát biểu tại Quốc hội Israel với trọng tâm chính là hướng vào cáo buộc Nga gây bất ổn và tạo mối đe dọa đối với cả Ukraine cũng như Israel.
Theo thuyết trình của ông Poroshenko, chính sách của Nga tại Trung Đông sẽ có thể gây ra những tổn hại trực tiếp đến các lợi ích của Israel.
“Nga đang cung cấp cho Israel những hệ thống vũ khí có thể làm thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng trong khu vực. Những hệ thống này còn có thể rơi vào tay những phần tử đang mong muốn gây tổn hại cho Israel”- Poroshenko phát biểu trước Quốc hội Israel.
Theo Tổng thống Ukraine, phía Israel cần phải nghiên cứu kỹ các “mối đe dọa” này và rằng Israel và Ukraine cần phải “hợp tác chặt chẽ với nhau, giới lãnh đạo Israel cần phải ủng hộ Ukraine một cách rõ ràng vì Ukraine và Israel có khá nhiều điểm chung. Trong khi Ukraine là “tiền đồn dân chủ ở Đông Âu” thì Israel cũng là “tiền đồn dân chủ ở Trung Đông”.
Ngoài ra, Poroshenko còn cố gắng đề cao “vai trò đặc biệt” của Israel trong việc hình thành nên nhà nước Ukraine: “Người Do Thái là dân tộc trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành Ukraine”. Việc được phát biểu tại Quốc hội Israel cũng được ông Poroshenko tận dụng để “tâng bốc” Israel khi cho rằng điều này cho thấy Israel tôn trọng “nhân dân Ukraine”.
Ngoài hiện thực, Poroshenko còn cố gắng tận dụng các dữ kiện lịch sử để có thể “lấy lòng” giới lãnh đạo Israel. Poroshenko đã trực tiếp xin lỗi trước Quốc hội Israel về những tội ác của phe chủ nghĩa dân tộc đã gây ra trong Chiến tranh Thế giới lần 2.
“Chúng ta phải nhớ về những sự kiện bi thảm trong lịch sử khi những tên tay sai trợ giúp cho các phần tử chủ nghĩa dân tộc… Khi nhà nước Ukraine được thành lập, chúng tôi đã xin lỗi vì sự kiện này và ngày hôm nay, tại Quốc hội Israel, tôi tiếp tục xin lỗi con, cháu của những nạn nhân trong sự kiện trên, xin lỗi trước toàn thể người dân Israel”- ông Poroshenko nói.
Trong thời gian ở Israel, Tổng thống Ukraine cũng đã gặp gỡ với Tổng thống Israel để “bàn” về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, du lịch….
Trong cuộc gặp này, ông Porosenko tiếp tục thuyết phục phía Israel tăng cường hơn nữa đầu tư vào nền kinh tế Ukraine. Ngoài ra, Tổng thống Ukraine còn cam kết với Tổng thống Israel rằng giới lãnh đạo Ukraine sẵn sàng trợ giúp cho các doanh nghiệp Israel hoạt động tại thị trường Ukraine.
Israel liệu sẽ ủng hộ Ukraine?
Theo nhận định của giới phân tích chính trị Nga, những nỗ lực “ve vãn” Israel của ông Poroshenko sẽ không đem lại kết quả.
“Tôi không nghĩa rằng ông Poroshenko đến Israel để xin nhập quốc tịch”- Chủ tịch Viện Trung Đông Evghenhi Satanovsky của Nga mỉa mai.
Theo Satanovsky, các chuyến thăm đến nước ngoài của ông Poroshenko chỉ nhằm thực hiện mục đích duy nhất: xin tiền, tiến hành các hoạt động PR rằng Ukraine là một quốc gia dân chủ và Nga đang là nhân tố gây mất ổn định.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Quốc hội Israel. |
Có thể ông Poroshenko vẫn nuôi hy vọng rằng Israel “bất thình lình” phá bỏ mối quan hệ đã được hình thành với Nga để tăng cường quan hệ với Ukraine. Nhiệm vụ của Poroshenko là nỗ lực phá hoại các mối quan hệ toàn cầu của Nga.
Theo Satanovsky, giới lãnh đạo chính trị Israel sẽ không thể lựa chọn đứng về bên nào. Do hiện cộng đồng người Do Thái đang sinh sống ở Nga lên tới vài trăm nghìn người nên Israel sẽ không tranh cãi với Ukraine để tránh gây rắc rối cho cộng đồng của mình. Do vậy, chưa chắc Israel đã đứng về phía Poroshenko.
Satanovsky nhận định rằng, số lượng người Israel ủng hộ và lo lắng cho Ukraine cũng tương đương với số lượng người ủng hộ Nga vì có người hiểu và cũng có người không hiểu được thực tế như thế nào.
Tuy nhiên, trên góc độ chính quyền, Israel đã và vẫn đang giữ quan điểm trung lập. “Israel có chính sách riêng của mình và sẽ vẫn thực hiện chính sách này”, chuyên gia Satanovsky đánh giá.
Còn theo đánh giá của giới phân tích Israel, chuyến thăm Israel lần này của ông Poroshenko sẽ khó có thể đem lại những kết quả tích cực nào.
Theo cựu giám đốc cơ quan mật vụ Israel, đồng thời là chuyên gia phân tích chính trị Aykov Kedmi, xã hội và giới lãnh đạo Israel khá thờ ơ với những tuyên bố của ông Poroshenko.
“Thứ nhất, không có bất cứ phương tiện truyền thông có quy mô nào ở Israel đưa tin về chuyến thăm Israel của ông Poroshenko. Nhà nước Israel, nhân dân và Chính phủ Israel chẳng cần đến chuyến thăm này.
Israel đơn giản là không muốn vướng vào cuộc tranh cãi với Nga. Ngay trước khi Poroshenko đến Israel, Thủ tướng Netanyahu đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin để thông báo về những nỗ lực của ông Poroshenko trong việc tạo ra tranh cãi giữa Nga và Israel”, ông Kedmi cho biết.
Nguyên nhân thứ hai khiến Israel “thờ ơ” với chuyến thăm của ông Poroshenko là Israel khá yên tâm khi Nga đã có những trao đổi quan trọng với Israel trước khi bố trí hệ thống S-400 ở Syria.
“Israel hiểu rõ rằng, hệ thống S-400 chỉ được sử dụng để bảo vệ lực lượng quân sự Nga ở Syria chứ không phải bảo vệ lực lượng Hezbollah.
Không quân Nga không đe dọa Israel, cũng như việc Không quân Israel không đe dọa Nga. Israel không thấy bất cứ mối đe dọa nào đến từ các hệ thống S-400 của Nga ở Syria.
Những tuyên bố của Poroshenko hoàn toàn không có cơ sở và không ai nghe bài phát biểu này”, chuyên gia Kedmi nhận định.
Theo Kedmi, phía Israel đánh giá cao việc ông Putin không có phản ứng nào trước sự kiện Quân đội Israel đã tiêu diệt một vài phần tử của lực lượng Hezbollah và đây là động thái hoàn toàn đúng đắn của lãnh đạo Nga.
Hoạt động của Nga tại Syria và Trung Đông hoàn toàn không tạo ra mối đe dọa nào đối với Israel. “Người Israel hiểu rõ điều này nên không quan tâm xem ông Porosenko nói gì”, chuyên gia Kedmi kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.