Tổng thống Obama đang trải qua cuộc "khủng hoảng hòa bình”
Báo Il Giornale của Italy đăng tải bài phân tích của các chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuyển những quan điểm hòa bình của mình thành nguy cơ khơi mào cho một cuộc chiến tranh lớn.
Tổng thống Obama từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009. Nguồn: AP |
Tờ báo uy tín của Italy viết, chính sách ngoại giao của Mỹ thời gian gần đây không mấy hiệu quả. Dù trước đó, Washington tuyên bố can thiệp vào Trung Đông trên danh nghĩa tìm lại hòa bình cho khu vực này, tuy nhiên, hành động của Nga tại Syria đã khiến cho ông Obama phải thay đổi chính sách và điều này có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh mới.
Theo đó, Mỹ đang đứng trên bờ vực của bốn cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và sẽ kéo theo hậu quả tồi tệ.
Il Giornale viết, “chiến trường đầu tiên hiển nhiên là Syria và Iraq. Chủ nhân giải Nobel Hòa bình, ông Obama đã theo chân của cựu Tổng thống George Bush khi ông quyết định đưa binh lính tới Syria”.
Cuộc chiến thứ hai, với Trung Quốc, có dấu hiệu bùng nổ khi Mỹ cử tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Các quan chức quân sự của Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng nếu hành động này lặp lại, chắc chắn súng sẽ nổ.
“Nghịch lý chính trị ở đây là ở chỗ Tổng thống Mỹ quyết định tuần tra ở Biển Đông ngay trước mặt Trung Quốc và cho rằng hành động này hoàn toàn phù hợp với quy định về tự do hàng hải của quốc tế, mà theo truyền thống Anglo-Saxon thì đó không khác gì một lời tuyên chiến”, Il Giornale phân tích.
Chiến trường thứ ba cũng là trên biển, nhưng lần này khu vực đó là Đại Tây Dương. Gần đây, các cơ quan tìn báo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo khi phát hiện một tàu hải dương học The Yantar của Nga tiến gần tới căn cứ hải quân vịnh Kings. Giới chức Mỹ cho rằng con tàu này có thể được trang bị các thiết bị phá vỡ hệ thống thông tin liên lạc và sẽ trở thành thảm họa đối với Mỹ và châu Âu. “Tình huống này khiến Na Uy đặc biệt lo ngại bởi nước này từ trước tới nay vốn bị ám ảnh bởi mối đe dọa từ phía Nga”, báo Il Giornale viết.
Cuối cùng, viễn cảnh chiến tranh nguy hiểm nhất, đó là ở Đông và Bắc Âu. Ông Obama đã bày tỏ sự hối tiếc khi gần như toàn bộ binh lính Mỹ đã rút khỏi khu vực này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trước đó, có khoảng 300.000 lính Mỹ ở châu Âu và con số này bây giờ là vào khoảng 30.000 người. Giờ đây, ông Obama đang cố tạo ra một đội quân đủ để khiến phía Nga khiếp sợ. Tuy nhiên, việc triển khai quân cùng các thiết bị vũ trang là một hoạt động quá tốn kém với Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Ở Mỹ thời gian gần đây đang dấy lên làn sóng phản đối kế hoạch “Âu tiến”. Người dân và các thành viên Quốc hội không hiểu tại sao châu Âu lại không thể tự bảo vệ chính mình mà không cần nhờ đến các nguồn lực từ Mỹ, hay nói cụ thể hơn là cần tới số tiền người dân Mỹ đóng thuế.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.