Tổng thống Duterte "quyết tử" với các băng nhóm buôn ma túy
Tổng thống Rodrigo Duterte mới đây đã phát biểu trong một sự kiện rằng ông “cam kết sẽ dẹp bỏ vấn nạn ma túy trước khi rời nhiệm sở”. Ông còn nói thêm rằng “trong tương lai sẽ có nhiều tên tội phạm phải chết bởi chúng chống trả rất quyết liệt. Chừng nào những tên trùm buôn ma túy và những kẻ dưới trướng của chúng vẫn còn tồn tại, cuộc chiến của chúng tôi sẽ chưa chấm dứt”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. |
Trước đó, ông Duterte khẳng định rằng có 6.000 sĩ quan cảnh sát đang tham gia vào chiến dịch chống lại các băng nhóm buôn ma túy và thách thức kẻ thù ám sát ông. “Bọn chúng sẽ phải chết. Hoặc là tôi giết chúng, hoặc là chúng giết tôi”, ông nói.
Trong một báo cáo thường niên của INCB, tổ chức này đã kêu gọi các nước bãi bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh liên quan đến ma túy, đồng thời nói rằng chính phủ Philippines đã dùng những biện pháp bạo lực cực đoan để chống lại nạn buôn ma túy. Một số hành động của chính quyền Duterte đã bị INCB coi là “sự sỉ nhục đối với quyền lợi của một con người”.
Kể từ khi nhậm chức, ông Duterte đã có những động thái cứng rắn nhằm giải quyết nạn buôn ma túy tại Philippines. Nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới ước tính rằng ít nhất 2.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc truy quét của cảnh sát.
Những phát ngôn của Tổng thống Philippines đối với các băng nhóm buôn ma túy đều rất nặng nề, khi ông đã từng tuyên bố ông “vui lòng giết hại” những người nghiện ma túy và treo cổ những tên tội phạm “như treo rèm cửa”.
Báo cáo của INCB cũng nói rằng họ “dứt khoát lên án” những hành động bạo lực nhằm vào người dân Philippines “bị nghi có liên quan đến việc buôn bán hoặc sử dụng ma túy” của chính phủ nước này.
“Chúng tôi mong muốn chính phủ của tất cả các nước hiểu rằng những hành động ngoại tụng nhằm kiểm soát tệ nạn ma túy là đi ngược lại với nội dung của các công ước quốc tế về phòng chống ma túy”, INCB viết. Tổ chức này cũng kêu gọi các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á “rút lại án tử hình đã được tuyên bố”.
Theo nội dung của công ước về phòng chống buôn bán chất kích thích của Liên Hợp Quốc được 189 quốc gia ký kết vào năm 1988, các nước tham gia phải “thực hiện những biện pháp thích hợp để xóa bỏ những trung tâm tàng trữ chất kích thích và các chất ảo giác”.
Văn bản này cũng nói thêm rằng những biện pháp được áp dụng không được xâm phạm đến nhân quyền của bất kỳ ai liên quan.