Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thất hứa đến mức nào với cử tri Mỹ?
Theo News Republic, những người ủng hộ coi tỷ phú Trump là một chính trị gia cấp tiến, dám nghĩ dám nói, nhưng họ sẽ sớm nhận ra điều gì xảy ra khi một chính trị gia có thể nói bất kỳ điều gì để chiến thắng trong một cuộc tranh cử.
Dưới đây là những lần chứng minh không phải ông Trump đã nói là ông Trump sẽ làm đúng như vậy:
Loại bỏ Obamacare
Ứng viên đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử của mình đã phản bác lại chính sách quan trọng bậc nhất của chính quyền Tổng thống Obama là cho phép hàng triệu người nghèo ở Mỹ có thể tiếp cận với chăm sóc y tế. Ông Trump cam kết sẽ loại bỏ chính sách này khi nói: “Chúng ta sẽ làm điều đó nhanh thôi. Đây đúng là một thảm họa”.
Nhưng giờ đây, Tổng thống đắc cử lại tuyên bố ông có thể chỉ đơn giản là cải cách chính sách này, giữ lại lệnh cấm các công ty bảo hiểm từ chối những điều kiện đã ký kết và cho phép những người mới trưởng thành được bảo hiểm theo chính sách của cha mẹ.
Ông Trump cho biết ông đã bị thuyết phục để giữ lại một số điều khoản bởi chính ông Obama, người mà tỷ phú Trump từng gọi là “cha đẻ” của tổ chức khủng bố IS.
Bỏ tù Hillary Clinton
Ông Trump nói với những người ủng hộ rằng ông sẽ bổ nhiệm một công tố viên để khởi tố đối thủ đảng Dân chủ vì bê bối sử dụng thư điện tử cá nhân của bà thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ, một scandal mà ông gọi là “lớn hơn cả vụ Watergate”. Ông cũng từng nói thẳng vào mặt bà Hillary rằng nếu ông làm Tổng thống: “Bà sẽ bị đi tù”.
Nhưng khi hỏi về kế hoạch này sau khi đắc cử, ông cho biết: “Đây không phải là vấn đề mà tôi suy nghĩ quá nhiều”. Sau một cú điện thoại với bà Clinton, ông Trump đã bị thuyết phục rằng thực chất bà Clinton không phải là một chính trị gia “tham nhũng ở mức độ mà chúng ta chưa từng thấy trước đó”, mà thực ra “bà ấy có thể đã cư xử hợp lý hơn”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần thay đổi lời nói của mình. Nguồn: Independent |
Bức tường Mexico
Đây có thể là một trong những biểu tượng lớn nhất gắn liền với ông Trump trong thời gian tranh cử. Sau khi cho rằng những người Mexico vượt qua biên giới đã “mang đến ma túy, tội phạm, là những kẻ hiếp dâm” thì ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố “chúng ta sẽ xây một bức tường”. Thêm vào đó, ông cho rằng Mexico sẽ phải trả phí xây dựng.
Cựu phát ngôn viên Hạ viện, Newt Gingrich, một cố vấn của ông Trump, giờ đây tỏ ra nghi ngờ liệu Tổng thống mới có theo đuổi cam kết này đến cùng hay không. Ông nói: “Ông Trump sẽ dành nhiều thời gian để kiểm soát biên giới. Ông có thể không cố gắng để Mexico phải trả tiền mà thực tế đó chỉ là một công cụ khá tốt trong chiến dịch tranh cử”.
Cấm người Hồi giáo
Ông Trump đã nhận được sự cổ vũ từ người ủng hộ và sự tức giận từ thế giới khi tuyên bố “sẽ đóng cửa hoàn toàn đối với người Hồi giao, không cho họ nhập cư và Mỹ” năm 2015. Thế nhưng đến năm 2016, ý tưởng này đã được nói lại thành lệnh cấm những người từ các nước “tài trợ khủng bố”.
Sau khi họp với các lãnh đạo đảng Cộng hòa hồi đầu tuần, một phóng viên đã hỏi ông Trump: “Ông sẽ yêu cầu Quốc hội cấm toàn bộ người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ chứ?”. Tuy nhiên ông Trump không trả lời trong khi rõ ràng ông đã nghe thấy câu hỏi, sau đó ông chỉ cảm ơn mọi người và rời đi.
Đánh thuế Trung Quốc
Trong khi chỉ trích các quốc gia nước ngoài đang lợi dụng ngành công nghiệp Mỹ, ông Trump đã chỉ thẳng vào Bắc Kinh. Ông đề nghị áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc với mức 45%.
Nhưng giờ đây cố vấn chính sách của ông Trump, Wilbur Ross đã nói lại: “Mọi người đã trích dẫn nhầm lời nói đánh thuế 45% đối với Trung Quốc của ông. Đó không phải là những gì ông ấy đã nói hay định nói. Điều ông ấy thực sự muốn nói là nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thực sự được định giá cao quá 45% và nếu họ không đàm phán với chúng ta thì sẽ cần phải đưa ra biện pháp đe dọa là áp thuế 45% đối với Bắc Kinh”.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Iran là một quốc gia khác mà ông Trump nhắm tới trong chiến dịch tranh cử của mình. Hồi tháng 10, Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence cho biết chính quyền của ông Trump “sẽ phá vỡ thỏa thuận với Iran”.
Nhưng cố vấn Walid Phares của ông Trump lại cho BBC biết sau khi giành chiến thắng rằng: “Phá vỡ có lẽ là một từ quá mạnh. Ông ấy sẽ chấp nhận hiệp định này, nó đã được hoàn thành từ trước trong bối cảnh quốc tế và có thể sau này ông ấy sẽ xem xét lại nó”.
Các nước tự trả chi phí quốc phòng
Các đồng minh NATO đã bị “sốc” sau khi ông Trump tuyên bố ông có thể phá bỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh nếu ông cảm thấy các nước này chưa trả đủ chi phí quốc phòng. Ông cũng cho biết sẵn sàng rút các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc trừ khi Seoul chi thêm tiền.
Tuy nhiên, sau một cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Park Geun-hye, ông Trump đã cam kết bảo vệ Hàn Quốc theo các quy định an ninh sẵn có của đồng minh.
Tái áp dụng cách tra tấn trấn nước
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gặp phải nhiều chỉ trích sau khi khẳng định sẽ áp dụng lại cách tra tấn tù nhân gọi là trấn nước. Biện pháp này đã bị liệt vào danh sách phạm pháp sau khi nó được dùng ở thời Tổng thống George Bush.
Nhưng CNN trích lời cựu Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện của đảng Cộnghòa, Mike Rogers cho biết hồi đầu tuần là lời nói của ông Trump chỉ là “những lời lẽ dùng trong chiến dịch vận động” mà thôi.
Luật pháp và trật tự
Ông Trump từng nói với những người ủng hộ rằng bất kỳ một chính trị gia này không nắm được sự cần thiết của luật pháp và trật tự thì “không phù hợp lãnh đạo đất nước”. Nhưng mặc dù nhắc đi nhắc lại cụm từ “luật pháp và trật tự” trong toàn bộ thời gian tranh cử thì những lời lẽ gây chia rẽ của ông dường như đã chứng minh điều ngược lại.
Những cuộc biểu tình phản đối Tổng thống đắc cử vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên nước mỸ. Những người biểu tình đang chuẩn bị cho một quãng thời gian hành động ở phía trước. Hơn 10.000 người đã tham gia cuộc tuần hành ở New York vào hôm qua (12/11) và các nhà hoạt động khác cũng lên kế hoạch phá vỡ lễ nhậm chức của ông Trump.