Tổng thống bị “trói tay”, Moldova sẽ theo kịch bản của Ukraine?
Tổng thống Moldova Igor Dodon |
Bất ổn chính trị tại Moldova đã tiếp tục gia tăng sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ra quyết định tạm thời ngừng mọi quyền hạn của Tổng thống Igor Dodon, đồng thời cho phép Chủ tịch Quốc hội hoặc Thủ tướng Moldova có quyền bổ nhiệm các thành viên trong chính phủ mà chỉ cần sử dụng đến sắc lệnh của Ngoại trưởng Moldova.
Tòa án Hiến pháp Moldova đưa ra quyết định này dựa trên đề nghị của nhóm các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền ở Moldova. Theo đó, việc tiến hành bổ nhiệm, luân chuyển nhân sự cấp cao trong thành phần Chính phủ Moldova sẽ được thực hiện bất chấp sự phản đối của Tổng thống Igor Dodon.
Chánh án Tòa án Hiến pháp Moldova Igor Dolya tuyên bố rằng “khi Tổng thống không đủ khả năng thực hiện các quyền hạn và nghĩa vụ của mình thì quyền lực của người đứng đầu nhà nước sẽ được chuyển sang cho Thủ tướng hoặc Chủ tịch Quốc hội Moldova”.
Phát biểu sau phiên họp của Tòa án Hiến pháp Moldova, nghị sỹ đảng Dân chủ Moldova Sergey Syrbu tuyên bố rằng các ứng cử viên cho chức vụ bộ trưởng (trước đó không được Tổng thống Igor Dodon phê chuẩn) sẽ được thông qua ngay trong tuần tới.
Tổng thống kịch liệt phản đối
Về phần mình, Tổng thống Igor Dodon kịch liệt phản đối quyết định của Tòa án Hiến pháp và tuyên bố rằng cơ quan quyền lực này đã “vượt quá phạm vi dân chủ và vượt trên luật pháp quốc gia”. Do đó, ông sẽ kiên quyết không chấp hành quyết định của Tòa án Hiến pháp Moldova.
“Quyết định ngày hôm nay của Tòa án Hiến pháp Moldova đã thực sự vượt quá phạm vi dân chủ và vượt trên luật pháp quốc gia. Tòa án đã thể hiện mình là công cụ chính trị của các thế lực bên ngoài chứ không phải là cơ quan Hiến pháp. Đây là sự đồng thuận nhục nhã đối với một nhà nước đang hướng đến nền dân chủ”- Tổng thống Igor Dodon viết trên trang Facebook cá nhân.
Trong khi đó, người đại diện cho Tổng thống Igor Dodon tại Tòa án Hiến pháp Moldova là cố vấn Maxim Lebedinsky đã lên tiếng cáo buộc các quan tòa hành động không khách quan. Theo cố vấn Tổng thống Moldova, quyết định được đưa ra ngày 2/1 là “quyết định chính trị”.
Trong bối cảnh bị hạn chế quyền lực, Tổng thống Moldova đang tích cực sử dụng quyền của mình để không ký vào các văn kiện mà ông không đồng ý về nội dung.
Binh lính Moldova |
Nguyên nhân bùng phát mâu thuẫn
Theo luật pháp Moldova, người đứng đầu nhà nước có quyền hai lần bác bỏ các ứng cử viên được Chính phủ đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng nào đó. Sau đó, theo quyết định của Tòa án Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội hoặc Thủ tướng Moldova có quyền thay tổng thống ký sắc lệnh về bổ nhiệm tạm thời ứng cử viên vào chức vụ bộ trưởng đó. Quy trình này đã được áp dụng từ trước.
Đến cuối tháng 10/2017, Tòa án Hiến pháp Moldova đã cho phép Chủ tịch Quốc hội Andrian Candu ký sắc lệnh bổ nhiệm ứng cử viên Avgheni Sturza vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Igor Dodon.
Ngày 20/12/2017, Đảng Dân chủ cầm quyền Moldova đã tuyên bố bổ nhiệm thêm 2 phó Thủ tướng và 5 bộ trưởng và 2 chức vụ quan trọng khác. Tổng thống Igor Dodon đã chấp nhận cho các quan chức cũ trên các cương vị này được nghỉ nhưng lại không đồng ý phê chuẩn nhân sự mới vì các ứng cử viên này chưa đủ tin cậy.
Trong số những quan chức bị cho nghỉ có Ngoại trưởng Moldova Andrey Galbur, Bộ trưởng Kinh tế Aktavian Kalmyk, Bộ trưởng Tư pháp Vladimir Chebotar và Bộ trưởng Lao động Atella Grigorash.
Được biết, những bất đồng giữa Tổng thống Igor Dodon với Thủ tướng Pavel Filip đã bắt nguồn từ khá lâu khi Tổng thống Dodon nhiều lần không ký phê chuẩn các đề nghị do Thủ tướng Pavel Filip đưa ra. Đỉnh điểm là việc ngày 21/9/2017, Chủ tịch đảng Tự do Moldova Mikhai Gimpu đã đề nghị Quốc hội Moldova bắt đầu quy trình luận tội đối với Tổng thống Igor Dodon.
“Tổng thống rõ ràng là không hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Chúng tôi đề nghị giúp đỡ ông ấy và cho ông ấy về nghỉ. Nhóm nghị sỹ đảng Tự do đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này", Mikhai Gimpu nói.
Cũng trong ngày 21/9/2017, Quốc hội Moldova lần thứ hai thông qua các đạo luật mang tính “trói tay” với Tổng thống Igor Dodon với sự ủng hộ của 55 nghị sỹ đảng Dân chủ cầm quyền.
Được biết thời gian gần đây, nhiều sắc lệnh, nghị định của Tổng thống Igor Dodon không được cấp dưới chấp hành, thậm chí một số sắc lệnh còn bị vi phạm nghiêm trọng.
Một số sắc lệnh còn không được Quân đội Moldova thực hiện, bất chấp ông Igor Dodon là Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội Moldova, điển hình là việc Quân đội Moldova vẫn cử binh sỹ tham gia cuộc tập trận tại Ukraine hồi tháng 9/2017, cho dù ông Igor Dodon đã yêu cầu quân đội không tham gia cuộc tập trận này.
Theo giới phân tích chính trị, căng thẳng chính trị tại Moldova đang ngày càng diễn biến phức tạp và không loại trừ kịch bản các căng thẳng này sẽ đẩy Moldova vào “vết xe đổ” của Ukraine.