Tôn vinh những người hiến máu thuộc nhóm máu hiếm
Người dân tham gia hiến máu tình nguyện |
Bắt đầu hiến máu được 7 năm nhưng tham gia câu lạc bộ người hiến máu phenotype được 4 năm nay, chị Nguyễn Yến Bình (công tác tại quận 1, TP.HCM) cho biết mỗi năm đều đặn hiến máu 2-3 lần. Chị Bình chia sẻ, lúc ban đầu chị rất lo ngại khi tham gia hiến máu vì nghe đồn sau hiến máu rất mệt, tăng cân, da sạm xấu và sợ sẽ không đủ sức khỏe làm việc tiếp. Tình cờ, gặp một đồng nghiệp đã hiến được 100 lần nhìn rất khỏe mạnh nên chị tự tin hơn và tham gia hiến máu đều đặn cho đến nay.
TS.BS Nguyễn Phương Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Huyết học truyền máu TPHCM cho biết, ngoài nhóm máu chính gồm A, B, O và Rh thì có khoảng 30 hệ nhóm máu phụ khác gọi là phenotype. Người mắc bệnh thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) thường phát hiện khi còn nhỏ nên rất cần máu, khả năng phải truyền máu nhiều lần và suốt cuộc đời.
Nếu người bệnh được truyền nhóm máu phù hợp kiểu hình phenotype thì sẽ giảm phản ứng không phù hợp nhóm máu, hạn chế tối đa tình trạng tán huyết sau khi được truyền máu. Nếu truyền khác kiểu hình phenotype, cơ thể bệnh nhân sẽ sinh kháng thể chống lại yếu tố không hòa hợp và những lần sau sẽ càng khó chọn túi máu phù hợp để truyền. Vì thế, năm 2014, bệnh viện đã thành lập CLB người hiến máu phenotype với mong mỏi kêu gọi người hiến máu tình nguyện tham gia.
Câu lạc bộ hiến máu phenotype TP.HCM hiện có 667 người nhưng con số khá khiêm tốn so với nhu cầu của bệnh nhân cần truyền máu. Mỗi ngày bệnh viện phải truyền máu cho 70-80 người bệnh thalassemia, trong khi người hiến máu chuyên nghiệp thì chỉ hiến được 3 tháng/lần. Vì nhiều lý do, người tham gia hiến máu phenotype cũng không đều đặn, do đó mục tiêu sắp tới là cần tăng số người hiến máu, tăng sự kết nối giữa người hiến máu và bệnh viện để cải thiện tình trạng.