'Tôi tiêm vaccine Covid-19 dù bản thân có bệnh nền và dị ứng'
Dịch Covid-19 bùng phát: "Là người có hơn chục năm nghiên cứu về vaccine, tôi tình nguyện là người tiêm mũi đầu tiên để động viên tinh thần đàn em", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Có nền huyếp áp và cơ địa ứng song ông là người tiêm mũi vaccine đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Cơ thể khác biệt sau 6 giờ tiêm vaccine
Ngày 8/3, nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam đồng loạt tiêm vaccine Covid-19 cho tuyến đầu chống dịch. Tại TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là đơn vị đầu tiên triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế. Sau đó, các bệnh viện khác cũng lần lượt được tiêm.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết sau khi nghe thông tin về việc sắp triển khai tiêm vaccine Covid-19, nhiều đồng nghiệp và đàn em của ông bày tỏ lo lắng và xin ý kiến. Thời điểm đó, bác sĩ Khanh đã tình nguyện là người tiêm mũi vaccine đầu tiên của bệnh viện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh là người tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BSCC. |
"Tôi là người nghiên cứu vaccine từ khi mới tốt nghiệp trường y, tôi tìm hiểu vaccine rất nhiều. Tôi cũng biết rằng việc bắt đầu tiêm vaccine cho người lớn sẽ gặp nhiều rắc rối hơn so với trẻ em. Nhưng điều khiến mọi người lo lắng nhất là tôi có bệnh nền", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Bác sĩ Khanh cho biết mình có bệnh huyết áp và đã uống thuốc kéo dài 15 năm nay. Ngoài ra, ông còn có cơ địa dị ứng.
"Tôi đã kiểm soát được tình trạng này. Do đó, việc tiêm vaccine Covid-19 là điều hoàn toàn có thể. Tôi tiêm lọ vaccine đầu tiên, sau đó, 12 đồng nghiệp cùng tiêm lọ này", ông nói tiếp.
Trong vòng 6 giờ đầu, ông không có cảm giác hay triệu chứng bất thường. Nhưng từ sau 6 giờ, triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Cơ thể ông mệt mỏi, rệu rã như người tập thể thao quá sức.
"Như thể lâu ngày bạn không chơi thể thao và đến một ngày phải vận động nhiều, cảm giác mỏi khắp người sau tiêm vaccine giống như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Thậm chí, tối cùng ngày, tôi vẫn thức xem bóng đá", bác sĩ Khanh kể.
Là người có bệnh huyết áp nên sau tiêm vaccine, bác sĩ Khanh thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp và theo dõi sát diễn biến sức khỏe. Mọi triệu chứng xuất hiện trong 24 giờ. Sau 36 giờ, tất cả trở về trạng thái bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.
"Có vaccine chúng ta mới sống hòa bình cùng Covid-19"
Sau khoảng 5-6 tuần, bác sĩ Trương Hữu Khanh được tiêm mũi 2 của vaccine Covid-19. Ở lần tiêm này, cơ thể ông không xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi như mũi một. Ông chỉ đau nhẹ vùng tiêm trên cánh tay.
"Từ sau mũi tiêm thứ 2 đến nay, tôi không cảm thấy có dấu hiệu gì bất thường. Đến nay, sức khỏe hoàn toàn ổn định", ông nói.
Bác sĩ Khanh là thành viên trong nhóm tư vấn sức khỏe của người tiêm vaccine Covid-19. Ông cho biết qua theo dõi các triệu chứng của đồng nghiệp, đa số người tiêm bị "hành" nhiều trong khoảng 36-48 giờ sau tiêm.
Chỉ vài người trong số hơn 1.000 nhân viên (chưa đến 20 người) của Bệnh viện Nhi đồng 1 phải ở nhà một ngày vì mệt. Sau một ngày, tất cả đều sinh hoạt và làm việc bình thường.
Đến nay, TP.HCM đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 60.000 người trong nhóm ưu tiên. Đa số nhân viên y tế đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine.
Hơn 33.000 người Việt được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ảnh: Thạch Thảo. |
"Ít nhất 70% người dân được tiêm vaccine Covid-19 thì chúng ta mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Chỉ khi nào được tiêm vaccine và đạt miễn dịch cộng đồng, chúng ta mới có thể ngủ yên trước hàng loạt thông tin phong tỏa. Chỉ có vaccine chúng ta mới sống hòa bình với Covid-19 và từng bước đẩy lùi đại dịch", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu dân (mỗi người phải tiêm 2 mũi). Bộ Y tế đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.
Bên cạnh nguồn vaccine Covid-19 nhập khẩu, các đơn vị sản xuất trong nước được kỳ vọng trở thành nguồn cung ứng vaccine lâu dài cho người dân Việt Nam.
Trong thời gian chờ đợi có vaccine để tiêm, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo người dân phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp y tế cộng đồng, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế).
"Tiêm vaccine Covid-19 hoàn toàn có lợi. Tuy nhiên, đừng vì nôn nóng mà bỏ qua những thông tin cần phải nói cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các thông tin sức khỏe để quyết định tiêm hay không tiêm cho người dân", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có hàng chục năm gắn bó, điều trị bệnh truyền nhiễm và nhi khoa. Ông là thành viên của Hội đồng đánh giá tiêm chủng Quốc gia, đồng thời là nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cố vấn chuyên môn Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Ông được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mời cộng tác biên soạn một phác đồ điều trị bệnh Tay Chân Miệng. Ông cũng là chủ biên của nhiều đầu sách có ảnh hưởng sâu rộng như "Hỏi bác sĩ Nhi đồng: Giải đáp thắc mắc của cha mẹ về bệnh con nít", gần đây là cẩm nang y khoa giải thích các thắc mắc về SARS-CoV-2 và đại dịch Covid-19: "Đại dịch! Tim không đập thình thịch".
Tôi đi tiêm vắc xin Covid-19 dù cơ địa dị ứng
Tôi nằm trong nhóm 11 đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 theo Nghị định 21 của Chính phủ. Ngay từ khi bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhân viên y tế tôi đã hồi hộp theo dõi thông tin của họ.
Nguồn: zingnews.vn