Tôi sốc khi thấy người ta mua bán roi đánh con trên mạng
Người xưa rất ít khi đụng đến cây roi gia pháp, bởi họ hiểu rõ công cụ điều khiển nó tốt nhất chỉ có thể là trí tuệ, không phải cảm xúc.
Thỉnh thoảng, những vụ bạo hành trẻ em do chính người thân là bố mẹ ruột hay bố mẹ kế, họ hàng… gây ra khiến xã hội rúng động. Dư luận đang sôi sục, phẫn nộ với vụ việc bé gái tuổi bị người tình của cha dùng roi mây, cây gỗ đánh đập nhiều lần dẫn đến cái chết tức tưởi.
Có thể thấy, dù chưa xây dựng gia đình nhưng “mẹ ghẻ” này đã sẵn tư tưởng sẵn sàng “dạy” trẻ em bằng vũ lực. Cô ta mua và chuẩn bị sẵn roi mây, cây gỗ, cán cây lau nhà… là những thứ có tính sát thương để đánh đập một đứa trẻ hoàn toàn không có khả năng tự vệ.
Rõ ràng cô ta có "kế hoạch bài bản" để hành hạ bé gái và hành vi bạo lực diễn ra trong thời gian dài. Cô ta muốn thiết lập một “gia pháp” nghiêm khắc, đầy uy lực khiến đứa trẻ phải sống trong sợ hãi và buộc phải nghe lời, phục tùng. Tôi nghĩ, có thể cô ta ẩn ức nào đó rồi vịn vào cái cớ “thương cho roi cho vọt”, để giáng xuống thân thể đứa trẻ những trận đòn khốc liệt.
"Thương cho roi cho vọt" dường như đã và đang bị lạm dụng thành một hướng dạy con vô cảm và tàn nhẫn, không hề có tình thương trong xã hội hiện đại. Ảnh: internet |
Dạo một vòng các group trên mạng xã hội đang bàn luận sôi nổi chủ đề “thương cho roi cho vọt” mấy hôm nay, tôi thấy rất nhiều bình luận ủng hộ việc dạy con bằng đòn roi. Người thon thót giật mình, kẻ ngao ngán thừa nhận mình cũng không phải thần tiên gì mà không đụng đến roi mây, hoặc cán chổi, đũa bếp, thước… để dạy con mỗi khi đứa trẻ ngỗ nghịch, không nghe lời.
Việc dùng roi vọt để dạy con bắt đầu từ đâu? Chẳng phải thế hệ từ 6X,7X,8X… đều lớn lên cùng những trận đòn thừa sống thiếu chết của những ông bố “mạnh tay mạnh chân” mỗi khi con cái ngỗ nghịch, ương bướng?
Tuổi dở dở ương ương, trẻ con cũng thích “làm mình làm mẩy” với người lớn. Vậy nên, nếu người lớn không mạnh tay, con cái ra xã hội quậy phá thì lại mang tiếng “con cái nhà ai… mất dạy!”
“Truyền thống” dạy con kiểu phải in hằn trên da thịt những dấu ấn đau đớn khiến con sợ và không dám tái phạm. Khá nhiều người sau này khi trưởng thành thừa nhận mình "nên người" nhờ những ngọn roi thiếu điều nát mông ấy.
Sự thừa nhận đó cũng ngấm ngầm thông báo rằng: họ sẽ tiếp tục “roi vọt” để dạy dỗ con, và nó là biện pháp hữu hiệu! Vậy nên, không lạ gì khi xung quanh ta vẫn có tiếng khóc trẻ con bị người lớn đánh mắng vang lên hàng ngày, từ những dãy trọ ọp ẹp của dân lao động đến cả những chung cư cao cấp, xa hoa.
Thậm chí, những vụ bạo hành trẻ em trong trường học vẫn âm thầm diễn ra, vài vụ bị khui trên truyền thông gây chấn động một thời gian rồi cũng vào quên lãng. Những đứa trẻ sau đó có được đảm bảo sẽ lớn lên bình an không roi vọt, không tiếng mắng chửi, không ăn bạt tai…? Và rồi khi vào đời, những đứa trẻ ấy tiếp tục “truyền thống” đó với bạn đời, người thân, con cái, người dưng…
Tôi choáng váng khi thấy các trang thương mại điện tử rao bán rất nhiều chiếc “roi mây thần thánh” với lời quảng cáo không thể ấu trĩ hơn về tác dụng của chiếc roi. Thậm chí có người bán loại roi cao cấp có giá cả triệu đồng và rao rằng đây là loại roi dùng để răn dạy con.
Ai dám chắc khách hàng chỉ mua roi về đặt trên bàn “cho con sợ”?
Bị dư luận phản ứng, một số sàn thương mại điện tử đồng loạt gỡ bỏ nội dung rao bán sản phẩm roi mây. Ảnh: Internet |
Nhưng phần quảng cáo vẫn còn trên bộ nhớ của Google |
Không thể phủ nhận việc “tề gia” nghiêm khắc, nhưng xin đừng vịn vào roi vọt, hiểu sai "truyền thống" để làm biến tướng hình thức dạy con này sang hành vi bạo hành. Ranh giới của dạy dỗ, uốn nắn và bạo hành rất mong manh.
Chỉ một giây sơ hở, cảm xúc tiêu cực bùng nổ, bạn không thể “cầm cương” được cảm xúc và lý trí, thì bạo lực với con trẻ sẽ xảy ra.
Nhà nghiên cứu giáo dục Giản Tư Trung từng nhắc nhở: “Gia pháp, trong mường tượng của nhiều người cũng tựa như một cây roi bên cạnh bàn thờ tổ tiên, không dùng để đánh mắng con cái bao giờ nhưng lúc nào cũng có tác dụng nhắc nhở, răn đe, hướng dẫn con cháu trở về con đường đúng đắn”.
Vậy đó. Người xưa có “cây roi gia pháp”, nhưng cực kỳ thận trọng trong “tề gia”. Cây roi chỉ đặt đó như một lời nhắc nhở, răn đe. Chỉ những gia đình quá bất lực trong cách dạy con mới lạm dụng roi vọt, khiến chúng trở thành dấu ấn đen tối trong tâm lý đứa trẻ.
Những người từng thừa nhận mình nên người nhờ đòn roi khắc nghiệt của cha mẹ, liệu có dám nhìn thẳng vào những tổn thương tinh thần đã khoét sâu tâm hồn họ, hay lại phải loay hoay tìm cách che đi, chỉ vì muốn biện minh cho “truyền thống”?
Tử Anh Anh (TP. Thủ Đức, TPHCM)
Không nhân tính xin đừng nuôi trẻ
Chị ta không có tính người, không có giáo dục lẫn nhân cách. Mai kia được mãn hạn tù, làm ơn hãy đi vòng khi nhìn thấy những đứa trẻ.
Theo www.phunuonline.com.vn