'Tôi không tin giới trẻ quay lưng với Lịch sử'
Ý kiến của ông như thế nào về hành động học sinh THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) xé đề cương môn Sử gây xôn xao dư luận những ngày gần đây?
Có người trách các bạn trẻ nhưng tôi thì nghĩ khác. Tôi cho đấy chính là sản phẩm của nền giáo dục của chúng ta. Như thế có nghĩa, đó là trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của giáo dục, trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi nữa.
Như vậy, lỗi ở đây không phải của các em mà là lỗi của giáo viên, là hệ quả của việc không truyền cảm hứng cho giới trẻ với môn học này?
Có thể đó là một góc độ, một cách nhìn. Về việc này chính anh em chúng tôi, các thầy dạy sử và ngành giáo dục đã bàn thảo, cố gắng có những thay đổi để môn Sử hấp dẫn hơn, thiết thực hơn và thực sự để các bạn học sinh nhận ra đó là tri thức cần biết.
Nhưng tôi nhận thấy vấn đề nằm ở chỗ khác, có thể hôm nay là môn Sử ngày mai lại là môn khác.
Nếu tôi đặt vấn đề cứ phải thi Sử thì đấy là cục bộ, dù mọi tri thức đều cần thiết, mọi kiến thức đều có ích cả. Thế nhưng rõ ràng điều này cho thấy nền giáo dục của chúng ta tất cả đang hướng vào thi cử. Đành rằng đã học sẽ có thi, nhưng thi cử chỉ là một sự đối phó, hình thức thôi.
Cho nên phản ứng của học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) là hệ quả của hiện trạng ấy. Các bạn ấy không cảm thấy việc học là để trau dồi tri thức mà cố học để làm sao thi cho đỗ. Và hậu quả môn nào cũng vậy, thi xong là quên hết đi. Như thế hiệu ứng giáo dục rất thấp.
Sân trường ngập rác do các em trường THPT Nguyễn Hiền xé tài liệu ôn thi môn Sử và một số tài liệu khác khi biết tin không thi tốt nghiệp môn Sử. |
Điều này tôi nghĩ không phải là vấn đề mới, nhưng xã hội rất quan tâm, và cả ngành giáo dục cũng rất quan tâm. Nhưng hình như chúng ta chưa tìm ra được giải pháp. Cho nên tôi muốn trở lại đánh giá trong kỳ hợp Quốc hội vừa qua, là có thực sự giáo dục đã khủng hoảng hay đang cố gắng vớt vát, tìm mọi cách vá víu? Cá nhân tôi xem đó là một biểu thị rằng đã khủng hoảng. Và cần phải có một cuộc cách mạng, một cuộc cải cách thực sự.
Nhiều người cho rằng, giới trẻ ngày nay đang thờ ơ với môn Lịch sử. Ông có đồng tình với quan điểm này hay không?
Quan trọng là Lịch sử nào? Và Lịch sử mà chúng ta mang đến cho các em đã đủ sức hấp dẫn cả về nội dung, cả về hình thức, cả về kỹ năng hay chưa? Còn cái chuyển tải bên trong lại là chuyện khác.
Tôi không tin bạn trẻ ngày nay quay lưng hoàn toàn với Lịch sử. Bằng cứ là khi có cơ hội các bạn trẻ đều thể hiện rất mạnh bạo, rất hoành tráng tinh thần của mình. Vấn đề là hình như lỗi ở phía người lớn nhiều hơn ở trẻ em.
Vậy theo ông, có cách nào truyền cảm hứng cho các bạn học sinh cũng yêu thích môn Lịch sử không?
Khi tiếp xúc với nhiều người, nhất là các bạn trẻ, rất nhiều bạn nói với tôi rằng các bạn yêu quý Lịch sử, nhưng các bạn vẫn cảm thấy lúng túng không biết tiếp thu từ đâu, tiếp thu cái gì.
Tôi gặp một bạn trẻ ở tuổi thanh niên, tuổi mà luôn hướng đến rất nhiều cái mới, lại là một kiến trúc sư nhưng bạn ấy viết đến 3 cuốn Diễn ca lịch sử, mỗi cuốn hàng mấy trăm trang, mấy nghìn câu mà bạn ấy bảo vẫn còn nữa, chưa hết và sẽ viết tiếp. Rõ ràng đó là niềm say mê thực sự. Vậy tại sao chúng ta không cố gắng nhân lên cảm xúc ấy ở số đông?
Chúng ta cũng phải chia sẻ với các bạn trẻ vì các bạn trẻ hôm nay đang phải đứng trước những sự lựa chọn rất là khó khăn cho con đường phát triển của mình, kể cả chuyện hướng nghiệp, kiếm sống rất bình thường. Chính vì thế, giá trị của tri thức lịch sử chưa có vị thế trong đời sống, và nó dẫn đến tình trạng ấy.
Là người được đi nhiều nước trên thế giới, ông có thấy hiện tượng này cũng xảy ra ở các nước không hay chỉ có ở Việt Nam?
Tôi có điều kiện tiếp xúc và có trao đổi với bạn bè ngoại quốc. Cũng phải nói thực rằng các bạn ấy cũng bị rơi vào tình trạng giống như chúng ta, ngay cả Hoa Kỳ cũng là nơi rất quan tâm đến vấn đề đó.
Bởi nếu chỉ căn cứ vào trí nhớ, tri thức lịch sử như các cuộc thi hỏi đáp, chắc các bạn ngoại quốc cũng rơi vào không ít trường hợp như ta. Nhưng tôi nghĩ vấn đề ở chỗ khác. Cảm xúc lịch sử quan trọng hơn tri thức, hiểu theo nghĩa đánh đố trí nhớ như chúng ta. Cảm xúc thể hiện khi có cơ hội chứ không phải xảy ra hàng ngày được.
Còn riêng về chuyện học sử, trước hết đó là những xã hội rất tôn trọng Lịch sử. Các bạn thấy hệ thống bảo tàng các nước thì biết. Thứ hai, Lịch sử họ đưa ra cho giới trẻ, bên cạnh kỹ năng của ngành giáo dục, lịch sử đó rất khách quan, không phải là sự áp đặt, duy ý chí.
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Việt Nam có thể học tập được gì từ bạn bè thế giới hay không, thưa ông?
Phương pháp dạy Sử không phải nhồi nhét mà để các bạn bộc lộ nhận thức của mình về lịch sử, cảm xúc hiện đại về quá khứ chứ không phải nhồi nhét nhớ ngày này ngày kia và những con số rất vô hồn. Và cuối cùng là kỹ năng được xã hội tập trung nhiều, có nhiều công cụ đến với các bạn như phim ảnh, sách vở...
Đó là cái mà chúng ta không thể khắc phục nhanh được. Nhưng có những cái tôi cho chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận được như thế giới mạng, công nghệ số chẳng hạn. Nếu chúng ta làm tốt, cho các bạn một cách tiếp cận rất hiện đại và đồng thời có nội dung hấp dẫn, tôi cho là sẽ dần dần khắc phục được.
Đương nhiên cuối cùng, chúng ta bàn nhiều về học đường, nhiều yếu tố khuyết tật chung của cả ngành giáo dục. Nhưng hiệu ứng đối với môn Lịch sử có gì đó nhạy cảm hơn và người ta dễ nhận biết hơn, dễ bức xúc hơn.
Cuối cùng tôi muốn nói điều này nữa, bản thân câu chuyện mà chúng ta đang bàn lại rơi vào hoàn cảnh hết sức cụ thể vào thời điểm này. Phải chăng đó là sự thiếu nhạy bén của ngành giáo dục khi lựa chọn đúng thời điểm này bỏ qua môn Sử?
Dù tôi nhắc lại tri thức nào cũng là quan trọng cả, nếu tôi chỉ bênh môn Sử dễ bị gọi là thiếu khách quan, nhưng dẫu sao sự nhạy cảm ở mỗi thời điểm trong xã hội có nhu cầu cụ thể của nó thì rõ ràng gây bức xúc khi không thi môn Sử vào thời điểm này.
Thưa ông, đã đến lúc ngành giáo dục nên nhìn nhận lại và thay đổi triệt để cả về nội dung sách giáo khoa cũng như phương pháp dạy và học?
Đây là vấn đề tôi nghĩ ngành giáo dục đang rất quan tâm, đã hợp tác kể cả với chúng tôi và có những nỗ lực. Nhưng hình như căn cốt không ở chỗ ấy. Chúng ta vẫn giải quyết cái ngọn nhiều hơn cái gốc. Cái gốc ở đây là một triết lý giáo dục cần phải được bàn thảo thật kỹ, để bảo đảm tính thực tiễn, sát lợi ích của người trẻ, hay đáp ứng nguồn nhân lực của xã hội.
Cụ thể, cái gốc mà ông nói ở đây là gì?
Tôi cho ở chỗ phải xem lại là Học cái gì? Ngày xưa có thời kỳ đổi mới lớn trong Giáo dục VN là thực học và thực nghiệp. Phải xác định cho rõ rồi phân bố hợp lý nhất để chuyển tải tri thức cho giới trẻ để thực sự làm thay đổi theo chiều hướng tích cực nguồn nhân lực mà chúng ta đang có.
Cách đây mấy hôm tôi tổ chức một buổi tọa đàm nhân kỷ niệm về nhà ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Duy Trinh. Hôm đó, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đến phát biểu. Ông bảo có 2 chuyện rất đáng buồn, một là câu chuyện học sinh hành xử như thế. Hai là ngành KHXH rất khó tuyển sinh. Ông đặt câu hỏi liệu một xã hội phát triển không có những người quan tâm đến văn hóa, lịch sử mà chỉ quan tâm đến công nghệ, kinh tế thì có phải là xã hội lệch lạc hay không?
Hôm đó cũng đồng thời là buổi Giới thiệu cuốn sách mới. Một cuốn sách được làm rất công phu dày dặn nhưng số lượng in chỉ 500 cuốn. Một quốc gia trăm triệu người, muốn bản tồn truyền thống, trong đó có cả truyền thống cách mạng mà sự đầu tư của Nhà nước chỉ là thế? Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Nhà nước như thế nào?
Vâng, xin cảm ơn ông!