Toàn cảnh phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên năm 2014 (Kỳ 2)
Phản ứng
Trước mối đe dọa từ các chương trình nâng cấp tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã lên phương án đối phó cho riêng mình. Điển hình, Hàn Quốc đã quyết định nâng cấp năng lực đánh chặn tên lửa PAC-2 hiện thời và mua thêm các hệ thống PAC-3 mới vào năm 2015. Tuy nhiên, những hệ thống này mới chỉ có khả năng tiêu diệt các mục tiêu là tên lửa đạn đạo phi chiến lược, trong khi năng lực tiêu diệt các tên lửa chiến lược vẫn còn bị nghi ngờ.
Để rút ngắn khoảng cách quốc phòng, hồi tháng 5/2014, Lầu Năm Góc còn đề xuất việc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Seoul cho biết họ muốn tự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của riêng mình nhằm ngăn chặn những tên lửa ở độ cao trên 40 km. Song, BMD của Hàn Quốc vẫn sẽ được phát triển dựa trên THAAD của Mỹ tích hợp với các tên lửa đất đối không tầm xa.
Tàu khu trục lớp Aegis của Hải quân Mỹ. |
Đối với những loại tên lửa hoạt động ở tầm thấp hơn, Seoul hiện đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không (KAMD). Kể từ khi được khởi xướng vào năm 2006, quá trình phát triển KAMD còn có hệ thống PAC-2, các tàu khu trục lớp Aegis và hệ thống radar Green Pine. Toàn bộ thiết bị này bao gồm các tên lửa nội địa của Hàn Quốc sẽ hỗ trợ cho chương trình "Tiêu diệt chuỗi" nhằm cải thiện năng lực phát hiện các vụ phóng tên lửa của KAMD. Theo kế hoạch, hệ thống này sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2021.
Nhật Bản cũng đã có phản ứng trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tokyo hiện có sẵn các tên lửa đánh chặn PAC-2 và 7 tàu chiến trang bị hệ thống BMD. Tuy nhiên, trong bối cảnh, Triều Tiên liên tiếp phóng thử nghiệm tên lửa, Mỹ đã quyết định triển khai thêm 2 tàu khu trục lớp Aegis tới Nhật Bản cho tới năm 2017. Theo đó, các hệ thống Aegis sẽ được trang bị thêm tên lửa đánh chặn SM-3 có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung.
Trước đó, hồi tháng 10/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã thông báo về kế hoạch bố trí hệ thống radar thứ hai AN/TPY-2 tại Kyoto nhằm giúp Tokyo tăng khả năng phát hiện và theo dõi các vụ phóng tên lửa tiềm năng từ phía Triều Tiên. Sau 1 năm ra thông báo, hệ thống radar này đã được lắp đặt tại Nhật Bản. Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản còn đang xem xét triển khai hệ thống THAAD để đảm bảo quân đội Nhật Bản có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo từ đối phương.
Tuy nhiên, Trung Quốc, Triều Tiên và Nga đã lên tiếng quan ngại về việc triển khai các hệ thống THAAD và BMD bởi chúng có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang và gây bất ổn trong khu vực.
Ngoại giao
Song hành với các biện pháp quốc phòng, ngoại giao vẫn được xem là một trong những phương án nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Khi mà, các cuộc thảo luận 6 bên vẫn chỉ dậm chận tại chỗ, Washington đã giữ quan điểm của riêng mình: “Nếu Triều Tiên không có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ không thảo luận vấn đề này với Bình Nhưỡng”.
Gần đây, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ còn tuyên bố rõ về "những nỗ lực giải trừ hạt nhân" áp dụng với Triều Tiên gồm dừng toàn bộ chương trình hạt nhân bao gồm làm giàu uranium, cho phép các quan sát viên IAEA vào thị sát cũng như chấm dứt các cuộc thử tên lửa và hạt nhân.
Mỹ lắp đặthệ thống radar thứ hai AN/TPY-2 tại Kyoto, Nhật Bản để tăng khả năng phát hiện các cuộc tấn công từ tên lửa Triều Tiên. |
Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán đồng thời gây áp lực chính trị buộc Triều Tiên thay đổi thái độ đặc biệt sau những thông tin quốc gia cô lập có thể sắp tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4.
Song điều đáng nói là trong năm nay, Trung Quốc đã tập trung vào các mối quan hệ với Hàn Quốc. Điều này không chỉ được thể hiện qua việc cả Bắc Kinh và Seoul cùng bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên mà các quan chức Trung Quốc còn đồng thuận với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc tăng cường lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba. Theo Diplomat, mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Trung Quốc và Hàn Quốc chính là yếu tố đứng đầu sau việc các quan chức Triều Tiên tích cực thực hiện những chuyến thăm ngoại giao tới một số nước như Nga trong thời gian gần đây.
The Diplomat nhận định trong khi, cả thế giới dõi theo quá trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, thì điều rõ ràng là quốc gia này sẽ không từ bỏ tham vọng của mình. Do đó, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã cùng phải tăng cường năng lực phòng thủ chủ động để ngăn chặn mọi cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng tiếp tục triển khai thêm những hành động thể hiện cam kết hỗ trợ an ninh cho các đồng minh.
Song, do các cuộc đàm phán 6 bên dường như không thể mang lại những kết quả như kỳ vọng, và sự chia rẽ sâu sắc giữa các cường quốc trong khu vực (như giữa Mỹ và Nga hay giữa Trung Quốc và Nhật Bản), mọi nỗ lực ngoại giao và chính trị đều không thể thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nói cách khác, nhiệm vụ duy trì nền ổn định chiến lược lâu dài tại khu vực Đông Bắc Á vẫn vô cùng gian nan.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.