Toàn cảnh phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên năm 2014 (Kỳ 1)
Khi năm 2013 gần khép lại, thông tin về việc Triều Tiên mở rộng các căn cứ sản xuất plutonium đã bất ngờ xuất hiện. Những hình ảnh vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng đã cải tiến đáng kể 2 cơ sở mới phục vụ sản xuất nhiên liệu hạt nhân tại lò phản ứng 5 MW và lò phản ứng nước nhẹ thí nghiệm (ELWR) 25 - 30 MW.
Tới tháng 4/2013, Triều Tiên đã ra thông báo về ý định tái khởi động lò phản ứng plutonium 5 MW, sau khi nó phải ngừng hoạt động vào năm 2007. Chín tháng sau, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận họ đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy lò phản 5 MW của Triều Tiên đã hoạt động trở lại.
Trong năm 2014, lại có thông tin cho rằng lò phản ứng này đã ngừng hoạt động. Một số chính trị gia nhận định khả năng Triều Tiên đang thực hiện công tác rút các thanh nhiên liệu plutonium đã qua sử dụng để tái chế. Tuy nhiên, sau khi phân tích các bằng chứng, giới chuyên gia khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng di chuyển những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng và lò phản ứng 5 MW đóng cửa là để bảo trì.
IAEA từng thông báolò phản ứng 5 MW của Triều Tiên đã được tái khởi động sau quãng thời gian đóng cửa hồi năm 2007. |
Hoạt động làm giàu uranium của quốc gia này cũng đã không ít lần khiến thế giới phải chú ý. Theo đó, lần đầu tiên, Bình Nhưỡng thừa nhận tiến hành chương trình làm giàu uranium là vào tháng 9/2009. Một năm sau, Triều Tiên quyết định đóng cửa cơ sở tiên phong làm giàu uranium tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Ban đầu, cở sở này được đánh giá sản xuất mỗi năm khoảng 40 kg uranium làm giàu độ cao, đủ dùng để chế tạo 2 quả bom hạt nhân.
Song, vào giữa năm 2013, các hình ảnh vệ tinh đã xác nhận cơ sở này có khả năng chế tạo lượng uraium làm giàu độ cao lớn gấp đôi so với dự đoán ban đầu. Ngoài ra, những hình ảnh vệ tinh năm 2014 cho thấy các cơ sở làm giàu uranium phía bên ngoài tổ hợp Yongbyon đã hoàn thành và khả năng quá trình lắp đặt các máy ly tâm và hoạt động xây dựng bên trong đang diễn ra. Toàn bộ công tác nâng cấp được dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, những hình ảnh từ vệ tinh tình báo của Mỹ lại cho rằng Triều Tiên vẫn chưa thể tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân "kiểu mới". Nhưng nếu cuộc thử nghiệm này diễn ra, nó có thể giúp nước này tiến gần hơn tới kỹ năng chế tạo đầu đạn hạt nhân để tích hợp trên các tên lửa đạn đạo. Một số chuyên gia thì nhận định ngay cả khi thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn còn phải vượt qua vô số trở ngại kỹ thuật khác trước khi đưa vũ khí hạt nhân vào sử dụng.
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa hồi tháng Chín tại Triều Tiên bị nghi sử dụng tên lửa KN-02. |
Những thành tựu hạt nhân mà Triều Tiên đang cố gắng vươn tới đều nhằm tới thiết lập năng lực tấn công lần thứ hai. Nguồn tin từ Hàn Quốc còn tiết lộ rằng Bình Nhưỡng có thể đang phát triển các ống phóng tên lửa thẳng đứng để phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cuộc thử nghiệm mới diễn ra tại xưởng đóng tàu Nam Sinpo của Triều Tiên có thể phục vụ mục đích phát triển các bệ phóng thẳng đứng trên tàu ngầm. Hồi cuối tháng 11, một số nguồn tin cho hay Triều Tiên có thể sẽ thực hiện một cuộc thử nghiệm dành cho bệ phóng thẳng đứng. Tuy nhiên, theo Diplomat, Triều Tiên sẽ còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể vượt qua mọi trở ngại công nghệ để đưa vào vận hành lực lượng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Tên lửa Hwasong 6 của Triều Tiên. |
Trong năm 2014, Triều Tiên đã tiến hành phóng hàng loạt các loại tên lửa bao gồm tên lửa đạn đạo và rocket. Điểm chú ý trong các vụ phóng này chính là tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong. Theo giới chuyên gia, 2 vụ phóng hồi giữa tháng Ba có liên quan tới các phiên bản của tên lửa Rodong và nhằm mục tiêu thử nghiệm khả năng tích hợp đầu đạn hạt nhân.
Hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến Patriot-3 được triển khai tại Hàn Quốc. |
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các tên lửa Rodong của Triều Tiên được phóng từ những bệ phóng di động. Do đó, khi các bệ phóng có khả năng di động càng cao thì việc phát hiện và định vị vị trí của tên lửa đối với hệ thống lá chắn tên lửa càng khó. Điều này tương tự với cả hệ thống đánh chặn tên lửa tiên tiến Patriot-3 (PAC-3) mà quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang sử dụng. Bởi PAC-3 bị giới hạn độ cao ngăn tên lửa là 40 km. Do đó, The Diplomat nhận định Triều Tiên hoàn toàn có cơ hội thiết lập năng lực tấn công lần thứ hai cho riêng mình nhờ những loại tên lửa đạn đạo đang trong quá trình phát triển.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.