Tọa đàm “Bác sĩ gia đình: Đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết”

Đào tạo BSGĐ như thế nào để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh? Các đơn vị phát triển phòng khám BSGĐ đã làm gì để đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết? Đó là chủ đề của cuộc tọa đàm "Bác sĩ gia đình: Đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết".

Đại diện báo điện tử Infonet tặng hoa cho 2 khách mời: BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2 và PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.

Cuộc tọa đàm được Bộ Y tế và Báo điện tử Infonet tổ chức tại TP.HCM ngày 7/12/2017.

Khách mời tham dự buổi tọa đàm là BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2 và PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch.

Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm.

Bác Hải, Quận 2: Tôi ở quận 2. Làm sao để được bác sĩ gia đình khám? Tôi phải đến đâu thì có mô hình hay hoặc gọi số điện thoại nào thì bác sĩ đến được nhà?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Hiện nay một số quận huyện đang tập trung triển khai mô hình BSGĐ tại các bệnh viện và một số trạm y tế, nhất là trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. BSGĐ ngoài chuyên khoa nội, ngoại, sản nhi còn được đào tạo thêm chuyên khoa y học gia đình, từ sơ bộ đến CKI và một số BS đào tạo nước ngoài.

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2

Có các dạng khám bệnh: Tại chỗ (BV) hoặc tại trạm y tế. Người dân đến các cơ sở này đăng ký khám hoặc qua trang web của bệnh viện, tổng đài 1080.

Đồng thời, khách hàng có thể gọi trực tiếp đến bệnh viện để yêu cầu đến tận nhà khám.

Trong khuôn khổ chăm sóc tại nhà, chỉ ưu tiên những trường hợp khó khăn đi lại vì không đủ nhân lực. Trạm y tế còn quản lý hồ sơ bệnh án, chuyển tuyến 2 chiều (cần thăm khám sâu hơn, chụp chiếu). Bệnh nhân có thể đến BV mà không cần mang theo hồ sơ bệnh án. Trạm sẽ chuyển bệnh án đến BV và ngược lại.

Người dân có thể gọi điện số 02837432672 – phòng CTXH Bệnh viện Q2 để đăng ký khám tại nhà.

Cô Thật, quận 3: Thói quen của người Việt là khi bị bệnh nhẹ sẽ ra nhà thuốc và tự mua thuốc về uống. Dược sĩ sẽ bán theo nhu cầu người bệnh. Họ lười không đi bác sĩ khám vì thủ tục rườm rà, chờ đợi lâu. Vậy bác sĩ gia đình có giúp khắc phục tình trạng này không, thưa ông?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Các cơ sở y tế từng bước nâng cao chất lượng, ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ sức khỏe, bố trí từng khu như khu khám BSGĐ, nhi, sản, thủ tục hành chính tương đối độc lập nên thời gian chờ đợi được rút ngắn rất nhiều. Thời gian khám tư vấn, khám cận lâm sàng rút ngắn khoảng 1 giờ cho từng trường hợp.

Anh Văn Minh, quận 11: Bảo hiểm y tế tôi mua ở BV Bưu điện, khi khám bác sĩ gia đình có bị xem là trái tuyến không? Tôi có được thanh toán bảo hiểm không?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Mô hình BSGĐ được xếp là một trong những chuyên khoa mang diện rộng, vẫn được thanh toán BHYT như các chuyên khoa khác. Hầu như các bệnh đều được BHYT chi trả như quy định, từ thuốc đến khám cận lâm sàng.

Chị Nguyệt Hà, quận 10: Bà tôi có người cao tuổi, có biểu hiện bị lẫn, bác sĩ gia đình có nhận chăm sóc đối tượng như Bà tôi hay không?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Đối với người cao tuổi, ngoài những bệnh lý thường gặp, có cung cấp dịch vụ tại nhà, khi có yêu cầu thì gọi theo số điện thoại, khi cần sẽ có xe chở về bệnh viện để chụp chiếu.

Thanh Hải – Q.7 – TPHCM: Tham gia mô hình phòng khám bác sĩ gia đình bệnh nhân có quyền được chọn bác sĩ khám cho mình hay chọn nơi để khám không, thưa ông?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Ngoài BSGĐ có cấp cứu ngoại viện, tùy theo địa bàn có liên kết đến các BV khác gần khu vực để thăm khám (trong mạng lưới BSGĐ của thành phố). BV Quận 2 có 18 BSGĐ có thể điều phối theo địa bàn, bố trí bác sĩ theo yêu cầu của người bệnh.

Hoài Nam, Quận 3: Một số người bệnh chưa đặt niềm tin vào mô hình bác sĩ gia đình, vì nghi ngại về tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ. Thực tế từ BV của ông, ông thấy chất lượng bác sĩ gia đình hiện nay như thế nào?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Niềm tin của người dân cần được xây dựng trong cả quá trình, thông qua chất lượng khám và điều trị của cơ sở y tế. Đối với BV Quận 2, BV có 4 bàn khám và 3 trạm y tế, trung bình mỗi ngày khoảng 350 – 400 bệnh nhân.

Bước đầu theo dõi chúng tôi nhận thấy số lượng người bệnh tái khám đều. Qua phỏng vấn, người bệnh đánh giá khá tốt, không chỉ khám mà còn tư vấn bệnh lý cho cả người thân trong gia đình. Ví dụ như ung thư tiêu hóa, BSGĐ tư vấn cho người bệnh và người thân để họ dù khỏe mạnh vẫn nên dự phòng, đi khám trước khi có dấu hiệu bệnh tật. Chất lượng đảm bảo, chi phí hợp lý, thay vì đi rất nhiều chuyên khoa.

BSGĐ khám tổng thể rồi sẽ định hướng cho người bệnh nên đi khám thêm chuyên khoa nào, tiết kiệm thời gian, giảm tải cho chính bệnh viện và giảm chi phí khám chữa bệnh. Khảo sát nhanh tại Bệnh viện Quận 2 chúng tôi, có 80-90% người bệnh cho biết sẽ giới thiệu người thân đến khám tại BSGĐ.

Các BSGĐ về cơ bản được đào tạo bài bản, có phác đồ điều trị, chuyên môn về cơ bản là như nhau.

Phương Phùng, quận Bình Thạnh: Thực tế một số phòng khám bác sĩ gia đình trang bị đầy đủ thiết bị y tế, từ máy siêu âm đến các loại xét nghiệm cơ bản, tuy nhiên khi đó kết quả xét nghiệm lại không được bệnh viện khác công nhận? Vì sao dẫn tới nguyên nhân này, thưa ông?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Bộ Y tế đang có quy định về thông tuyến kết quả cận lâm sàng, tuy nhiên không phải BV nào cũng yêu cầu bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng. Các trạm y tế đang phấn đấu xét nghiệm đạt chuẩn ISO, tương lai gần sẽ đăng ký thông tuyến các BV quận huyện với nhau.

Nguyễn Tuấn, Đồng Nai: Đến nay vẫn chưa có quy định chế độ chi trả thù lao cụ thể cho BSGĐ khi đến tận nhà hoặc tư vấn thường xuyên qua điện thoại…. nên đội ngũ y, bác sĩ vẫn chưa tận tâm, tận huyết với nghề. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Đối với các BS nói chung, BSGĐ nói riêng, hiện nay đã được đầu tư về đào tạo. Xu hướng là các BSGĐ phải sống được bằng nghề của mình. Đây là mô hình dịch vụ theo yêu cầu nên hoàn toàn có thể quyết định giá thu theo khung chung. Thu nhiều hay ít phụ thuộc vào sự đầu tư của BV hoặc phòng khám. Đa số người dân còn khó khăn về kinh tế nên về tổng thể, chi phí điều trị của BSGĐ ít hơn so với điều trị các chuyên khoa, như vậy sẽ hiệu quả hơn cả về kinh tế lẫn BHYT.

Thu nhập của BSGĐ tại BV Quận 2 hiện cao hơn 20-30% so với các BS khác.

Vũ Thu Hà – quận Gò Vấp: Tôi muốn biết tại phòng khám BSGĐ có đủ phương tiện máy móc để khám chữa bệnh như bệnh viện hay không?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Hiện nay, BSGĐ là 1 chuyên khoa, muốn thực hiện được phải có các bộ phận, chuyên khoa khác hỗ trợ như điện tim, xét nghiệm máu, Xquang… Có nơi mở phòng khám BSGĐ tư cũng trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc. Một phòng khám BSGĐ thực thụ cũng trang bị như một phòng khám đa khoa nhưng chỉ khám chuyên khoa BSGĐ.

Giang Trân – Quận 2: Thực tế các phòng khám BSGĐ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực do vừa vất vả, vừa ít tiền… một số phòng khám chỉ hoạt động “ cầm chừng”. Ông bình luận gì về điều này?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Nguồn nhân lực tại các Trạm Y tế còn thiếu, riêng TP.HCM đã có một số trạm không có BS, vừa thực hiện công tác dự phòng, phòng dịch, quản lý và cả điều trị nên rất khó khăn.

Để đáp ứng nhu cầu khám tại chỗ của người dân, mô hình BSGĐ tại trạm phải tăng cường nguồn lực từ các bệnh viện. Tại Quận 2 thực hiện được 5 trạm y tế, trong đó 3 trạm có phòng khám đa khoa vệ tinh nhiều chuyên khoa, có chuyên khoa BSGĐ, 2 trạm có tăng cường bác sĩ gia đình cùng khám. Người dân tin tưởng vì tại trạm y tế vẫn có BS bệnh viện quận, không mất nhiều thời gian chờ đợi, thuốc men đầy đủ.

Trước đây khi chưa có mô hình này, mỗi tháng Trạm Y tế chỉ khám 10-12 người, nay đã tăng lên 30 – 40 người. Có trạm có siêu âm 4D, Xquang, tiêu hóa, răng hàm mặt, bước đầu thu hút người dân, giảm áp lực cho BV quận huyện và BV tuyến trên, để các bác sĩ tập trung vào các ca khó, còn BSGĐ cũng có thời gian tư vấn cho bệnh nhân. Đây là 1 trong những cách tăng sự hài lòng của người dân cũng như hiệu quả trong điều trị.

Anh Ngọc Văn (27 tuổi, nhân viên giao hàng Q.1): Tôi gặp nhiều trường hợp tai nạn giao thông trên đường. Xin hỏi, họ có được cấp cứu trong mô hình BSGĐ không? Nếu cấp cứu trong trường hợp nặng, khi BSGĐ tiếp nhận sơ cứu xong có được chuyển viện nên tuyến khác không?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Nếu ở các trạm có mô hình BSGĐ, gặp trường hợp tai nạn giao thông thì sẽ gọi cấp cứu ngoại viện, họ có thể sơ cứu ban đầu tại hiện trường, sau đó chuyển lên tuyến trên tùy từng tình trạng bệnh.

Chị Lâm Thị Hà (45 tuổi, P.Đa Kao, Q.1): Xin hỏi, tôi và gia đình sống ở quận 1 nhưng chưa bao giờ sử dụng dịch vụ bác sĩ gia đình và cũng ít được nghe tuyên truyền về mô hình này? Liệu mô hình bác sĩ gia đình có giúp cho việc khám chữa bệnh của người dân dễ dàng, thuận tiện hơn không?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Quận 1 cũng có phòng khám BSGĐ. Bạn nên tìm hiểu xung quanh địa bàn mình ở, để hạn chế đi lại và được quản lý sức khỏe ngay tại địa phương. BSGĐ gần dân, hiểu mô hình sinh hoạt của người dân tại vùng đó. Họ chăm sóc được người dân trên địa bàn. Vậy nên, mô hình này lồng ghép với trạm y tế là đúng!

Chị Phương Thanh, quận Tân Bình: Tôi được biết chi phí khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình này cao hơn so với khám dịch vụ thông thường. Vậy trình độ bác sĩ có đi kèm với chi phí hay không?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Giá khám tại phòng khám BSGĐ không cao hơn so với nơi khám khác, vì theo giá của Nhà nước. Còn có nơi phòng khám thu thêm các kỹ thuật ngoài BHYT, hoặc giao động giữa các phòng khám tư nhân này với tư nhân khác vì họ tự đăng ký giá, tự đầu tư cơ sở vật chất nên được quyền tự đăng ký giá.

Chi phí tổng thể tại phòng khám BSGĐ sẽ thấp hơn nếu tự đi khám. Chi trả BH cũng lợi hơn. Hiện nay, giá khám tại phòng khám BSGĐ trường Phạm Ngọc Thạch là 80 ngàn đồng.

Ông Đinh Quang Tuấn (57 tuổi, kinh doanh quán cà phê Q. Tân Bình): Tôi rất thích mô hình BSGĐ. Xin hỏi, chi phí khám chữa bệnh được tính ra sao, có đắt hơn các bệnh viện tuyến quận huyện không?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Đây là mô hình dịch vụ nên có thu chênh lệch tiền công khám, còn các chi phí cận lâm sàng thì như các chuyên khoa khác. BN được lấy máu tại chỗ, phát thuốc tại chỗ.

Anh Lê Phan, ngụ quận Bình Tân: Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, các bác sĩ có thực hiện được các xét nghiệm phức tạp hay không? Ví dụ như HIV?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Hiện nay các phòng khám BSGĐ gắn ở trạm hay BV đều có các phương tiện trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu điều trị. Xu hướng các bệnh viện, Trạm y tế có mô hình BSGĐ được hỗ trợ trang thiết bị hiện đại để tầm soát ung thư, test nhanh HIV…

Mỹ Khanh – Bình Chánh – TP.HCM: Được biết, hiện nay các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải khi điều trị nội trú. Vậy khi khám bệnh ở BSGĐ, nếu phát hiện bệnh cần điều trị nội trú thì bệnh nhân được trợ giúp những gì, có được ưu tiên gì không?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Mô hình BSGĐ hiện nay là ngoại trú, lọc bệnh, chuyển bệnh. Từng BS được đào tạo bài bản, nhiều chuyên khoa khác nhau. Với những bệnh phải nằm viện, những BS đó sẽ theo dõi nội trú luôn sẽ rất thuận lợi. BV Quận 2 đang triển khai theo hướng đó, có thể đến 2018 sẽ triển khai quy mô 300 giường cho mô hình nội trú BSGĐ.

Anh Hùng Anh, ngụ quận 3: Doanh nghiệp của tôi hoạt động trong lĩnh vực y tế, muốn mở phòng khám bác sĩ gia đình có được hay không? Cần những thủ tục gì?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Anh nên tham khảo các quy định của Sở Y tế. Nếu có phòng khám đa khoa rồi thì xin phép Sở Y tế.

Phạm Thanh Minh (quận 7): Hiện nay tất cả các phường, xã tại thành phố đếu có trạm y tế, vậy tại sao chúng ta lại có thêm bác sĩ gia đình? Đây có phải là các đầu tư chồng chéo không thưa bác sĩ?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trạm y tế hướng về cộng đồng. BSGĐ là khám bệnh cá thể hóa.

Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tri thức tuyến trên đưa về tuyến cơ sở, để họ mạnh dạn điều trị cho bệnh nhân, không phải lên tuyến trên. Đặc biệt được thanh toán bảo hiểm y tế, không cần phải lên tuyến trên.

An Nhiên – Quận 7 – TP.HCM: Khi khám bệnh ở BSGĐ phát hiện bệnh cần điều trị ở tuyến trên, những kết quả ban đầu ở phòng khám bác sĩ gia đình có được công nhận hay phải thực hiện lại?

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Tùy thuộc vào BV tuyến trên. Hiện nay một số BV thành phố ko có mô hình BSGĐ nên khi thông tuyến không có cơ sở dữ liệu bệnh nên không thông tuyến được, phải photo cho bệnh nhân cầm đi để BV tuyến trên tham khảo. Và cũng tùy từng tình trạng bệnh, tuyến trên sẽ có yêu cầu làm lại các kiểm tra cận lâm sàng hay không.

Nguyễn Phước Thành Quận 1: Mong các bác sĩ chỉ cho tôi lý do nên lựa chọn bác sĩ gia đình trong khi TP là nơi tập trung của nhiều bệnh viện lớn, với đầy đủ các chuyên ngành? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2

BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2: Sống ở địa bàn nào thì nên tìm hiểu dịch vụ y tế ở địa bàn đó, kể cả bệnh viện để chủ động trong khám chữa bệnh. Nơi gần nhất, sát nhất là BSGĐ, trạm y tế để chữa những bệnh thông thường. Phường Cô Giang Quận 1 có mô hình BSGĐ.

Hoàng Hiệu, quận Tân Bình: Thưa ông Nguyễn Thanh Hiệp, có nên xây dựng mô hình BSGĐ tại các trường đại học, cao đẳng, để khám cho sinh viên?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Các trường ĐH hiện đều có phòng y tế, chức năng quản lý sức khỏe, hồ sơ đăng ký. Nên cung cấp dịch vụ y tế tại chỗ gần nhất cho SV. Nếu tiếp cận được ngay tại trạm y tế là rất tốt. Việc lồng ghép BSGĐ nên lồng ghép vào cái đang có, xem xét nguồn nhân lực hiện tại, nguồn cung ứng; lồng ghép kiến thức để bác sĩ tại đây có thể khám cho HS, SV.

Cũng nên đưa ý kiến này vào dự thảo của Bộ Y tế. Hiện nay chưa đặt vấn đề các mô hình này tại trường ĐH, cao đẳng. Mình tổ chức cái này là chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường ĐH, CĐ vì lực lượng HS, SV cũng khá là đông đảo.

Lê Thị Lành – huyện Hóc Môn: Tôi muốn biết bác sĩ phòng khám BSGĐ sẽ khám được những bệnh gì? Bác sĩ được đào tạo như thế nào?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Có nhiều loại hình đào tạo BSGĐ. Loại hình ngắn nhất là 3 tháng, để bồi dưỡng kiến thức cho những BS có kiến thức cơ bản rồi, có chứng chỉ hành nghề rồi, có kiến thức lâm sàng ít nhất 3 năm trở lên.

Đào tạo chính quy BSGĐ: Họ được đào tạo BS đa khoa 6 năm; được đào tạo chuyên khoa 1 thêm 2 năm; học tiếp chuyên khoa 2 thêm 2 năm nữa. 10 năm đào tạo liên tục mới được gọi là BSGĐ.

Định hướng chuyên khoa: Tốt nghiệp BS đa khoa rồi, học thêm 6-10 tháng tùy theo các trường, thực hành 18 tháng nữa, thì mới được hành nghề.

BSGĐ phải là BS đa khoa tổng quát. Cao huyết áp, đái đường, suyễn… họ phải giải quyết được hết. Phải hiểu khách hàng mình khi nào cần đến BS chuyên khoa để điều phối giữa bệnh nhân và BS chuyên khoa khác.

Trịnh Văn Tùng – Q.4: Hiện nay TP.HCM có những nơi nào đào tạo BSGĐ và mỗi năm đào tạo bao nhiêu BSGĐ, thưa ông?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Đào tạo BSGĐ có Đại học Y dược TP.HCM với nhiều kinh nghiệm triển khai đào tạo tốt.

Thứ 2 là Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch. Hàng năm trường tôi đào tạo được 100 BS, từ định hướng đến chuyên khoa.

Cập nhật kiến thức (3 tháng): số lượng trung bình 1 năm là 150-200 người.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Em Ngô Trần Bảo – Q.5: Sinh viên học về BSGĐ có gì khác so với bác sĩ đa khoa? Cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào thưa thầy?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trong chương trình 6 năm đào tạo BS Đa khoa (BS Y khoa), SV được học tất cả các lượng kiến thức cơ sở, chuyên ngành liên quan đến các khoa khác nhau, cả BSGĐ. Sau đó, các em mới chọn chuyên khoa gì cho hệ sau đại học.

Trong đào tạo BSGĐ, so với đa khoa, khác cơ bản là: Các em phải có kỹ năng tư duy lâm sàng, có sự khác biệt với BS chuyên khoa. Kỹ năng đó phải được dạy từ SV. Đi sâu vào kỹ năng tư duy lập luận lâm sàng. Tiếp cận rộng hơn.

Cơ hội làm việc sau khi ra trường: TP.HCM hiện nay rất quan tâm tới mô hình BSGĐ nên cơ hội làm việc là rất nhiều, khắp các quận, huyện.

Nguyễn Vũ Hoàng – Quận 8: Xin ông cho biết với quy trình đào tạo như hiện nay, các BSGĐ có đảm đương được yêu cầu khám chữa bệnh của người dân và có đủ BS cho tất cả các quận huyện hay không?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Đội ngũ bác sĩ theo khóa học cập nhật kiến thức rất đông. Lực lượng này bồi dưỡng kiến thức là có thể hành nghề.

Chất lượng BS tùy thuộc vào tay nghề nhưng mặt bằng chung là đáp ứng được nhu cầu ngoại trú.

Một đội ngũ nữa là BS về hưu, rất khuyến khích họ làm. Họ vẫn được cập nhật kiến thức để hành nghề BSGĐ. Họ vốn đã làm như BSGĐ rồi, chỉ là mình chưa gọi theo nguyên lý đó vì chưa có hồ sơ khám sức khỏe liên tục của bệnh nhân. Khi nào có tính liên tục trong việc khám sức khỏe của bệnh nhân, theo dõi được xuyên suốt bệnh nhân của mình thì họ làm việc như là BSGĐ rồi.

Hiện nay TP có 17 ngàn phòng mạch tư. Do đó khả năng xin việc rất cao.

Em Nguyễn Văn Quang (18 tuổi, học sinh trường Nghề thanh thiếu niên Q. Thủ Đức): Xin hỏi bác sĩ, người dân có được lợi ích gì từ mô hình bác sĩ gia đình. Mô hình bác sĩ gia đình triển khai tại TP.HCM đạt hiệu quả ra sao. Vì sao giới trẻ ít biết tới mô hình này?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Người dân có 1 BS cho riêng mình là rất tốt, vì họ hiểu được tình trạng sức khỏe của mình, theo dõi liên tục, có lợi cho bệnh nhân. Giống như có luật sư riêng vậy.

Họ có mối quan hệ mật thiết, tin tưởng giữa bệnh nhân và thầy thuốc, có thể chia sẻ mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe của người ta.

Truyền thông cho người dân hiểu về mô hình này chưa nhiều. Giới trẻ ít biết mô hình này, do kênh truyền thông chưa sâu rộng về các dịch vụ, Nên có 1 kênh truyền thông chính thức, ai phụ trách, đặt lịch hẹn như thế nào, liên hệ ra sao… để đăng ký thuận tiện.

Tôi trân trọng việc làm của báo để giúp người dân hiểu được mô hình này.

Chị Nga, quận 11: Với mô hình bác sĩ gia đình, vậy một gia đình sẽ có một bác sĩ phụ trách xuyên suốt hay một bác sĩ sẽ phụ trách một khu vực, một phường?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Lý tưởng nhất là BSGĐ chăm sóc cho cả một gia đình vì biết mối liên hệ trong gia đình. Biết được tình trạng sức khỏe cá nhân và gia đình sẽ tăng cường hiệu quả trong việc chăm sóc. Chưa kể nhiều bệnh liên quan đến di truyền, lối sống, ăn uống… Nắm bắt được sẽ chọn được hình thức chăm sóc như thế nào cho cả một gia đình.

Lan Anh Đặng, Điện Bàn, Quảng Nam: Làm sao để người dân tin vào chất lượng bác sĩ phòng khám gia đình trong bối cảnh chẩn đoán của bác sĩ ngay ở tuyến trên còn có sai sót?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Lòng tin phải có thời gian. Cũng như giá cả. Để người dân tin được BSGĐ họ phải giỏi, phải được đào tạo bài bản, giải quyết thuần thục các mặt bệnh thường gặp khi điều trị ngoại trú. Dân mình hay đến BV muộn, đi hết nổi mới đi khám. BSGĐ phải điều trị được thói quen đó và sau đó là hướng dẫn dự phòng cho họ.

Vương Ngọc Lan, Đồng Tháp: Tỷ lệ nghỉ việc của bác sĩ gia đình đang cao, làm sao để giải quyết việc này, thưa ông?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Học BSGĐ nhưng không làm đúng chuyên khoa là có. Nhưng thực tế là BHYT chưa khuyến khích phát triển BSGĐ. Bảo hiểm mới thanh toán ở các bệnh viện mà thôi. Tôi tư vấn giảm béo phì, giảm thuốc lá… nhưng lại không cấu thành các khoản để chi bảo hiểm y tế. Chiến lược là phải nên có chi phí mở hồ sơ quản lý bệnh viện, có thể vỡ quỹ trước mắt nhưng 20-30 năm sau thì tầm soát bệnh lý tốt hơn.

Cu ba là nước có mạng lưới BSGĐ rất tốt. Nhưng mất 40 năm mới làm được như thế. Thái Lan thì đã làm 20 năm. VN có mạng lưới rồi, hoạt động rồi nhưng định hình, chuẩn hóa lại cho bài bản thì phải có BHYT. Cái này ở tầm quốc gia.

Ngô Hùng, Thanh Hóa: Thưa ông, bác sĩ hiện nay, một số người rất kiệm lời với bệnh nhân. Liệu trong các khóa học của trường, kỹ năng giao tiếp của bác sĩ có được tăng cường thêm không?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trong chương trình đào tạo ngắn hạn 3 tháng, họ sẽ học các ứng dụng nguyên lý BSGĐ. Cách sử dụng các kênh phả hệ để phân tích mối liên hệ bệnh trong gia đình như thế nào.

Ngoài ra còn học kỹ năng giao tiếp; sơ cấp cứu ban đầu… Kỹ năng giao tiếp, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân là rất quan trọng. BSGĐ là phải gần dân nhất, hiểu rõ sức khỏe cộng đồng, quyết định chuyển tuyến phù hợp.

Ngọc Minh, Bình Định: Mô hình bác sĩ gia đình được phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Những kinh nghiệm của nước bạn liệu có thể áp dụng tại Việt Nam không, thưa ông?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trên thực tế, quốc gia nào cũng cần tuyến y tế cơ sơ tốt, chăm sóc ban đầu tận tâm. Nước nào có mạng lưới này tốt, người dân hài lòng vì không phải xếp hàng, chi phí cao. Hài lòng về cách chăm sóc, giá cả.

Quốc gia nào có BSGĐ thì quốc gia đó có tuổi thọ trung bình cao hơn; Giảm được gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật cho xã hội khi ít bệnh nhân nặng nhập viện điều trị. Góp phần giảm ghèo. Khi không phải điều trị bệnh nặng, thì sẽ có ngân sách đầu tư đường xá, đi xe đạp, có nhiều công viên tập thể dục, cải thiện môi trường sống.

Tuyết Vân, Hà Nội: Việc quản lý sức khỏe ban đầu của nhân dân, liệu có nên có phần mềm dùng chung, để các bác sĩ gia đình có thể nắm được quá trình khám chữa bệnh trước đó của người dân hay không, thưa ông?

PGS TS BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Riêng BSGĐ phải có phần mềm quản lý sức khỏe của bệnh nhân rồi. Nhưng mỗi công dân cần có 1 tài khoản riêng về sức khỏe, đầy đủ các thông tin y tế của mình, nhóm máu gì, uống thuốc gì… và họ có quyền chia sẻ thông tin đó cho người mà mình cho phép.

Dữ liệu này phải mang tầm quốc gia. Để bệnh nhân cho dù họ đi đâu cũng có thể khám chữa bệnh. Đó cũng là quyền của họ.

Hiện tại BV Quận 2 đang thí điểm thẻ của BN khám tại đây. Nếu được nên nghiên cứu triển khai. Cần cơ quan chính thống vì đó là thông tin an ninh của cả dân tộc.

Nhóm PV

Cuộc điện thoại lúc nửa đêm giành giật sự giống cho người đàn ông trẻ

Người đàn ông 34 tuổi vào viện lúc nửa đêm trong tình trạng đau ngực dữ dội, huyết áp tụt. Các bác sĩ đã bỏ dở giấc ngủ, nhanh chóng đến viện tham gia cấp cứu bệnh nhân.

4 điểm bất thường trong vụ bệnh nhân tử vong liên quan 3 bác sĩ BV Bạch Mai

Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, ca tử vong sau thay van động mạch chủ liên quan tới 3 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai còn nhiều yếu tố chưa đúng quy trình.

Chung kết cuộc thi: 'Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh'

Ngày 9/8, tại Hà Nội diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” giữa các cán bộ tại các trạm y tế của các xã, phường, thị trấn.

Hành trình hơn 8 năm vượt qua 'cơn ác mộng' bị chồng tưới xăng đốt

Hơn 8 năm trước, khi bị chồng tưới xăng đốt, sự sống của Thùy Dung rơi vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", bác sĩ báo gia đình chuẩn bị hậu sự cho cô. Dung từng là một cô gái xinh đẹp, sau biến cố đau đớn, hai đứa con cũng không nhận ra mẹ.

Yếu tố làm tăng 56% nguy cơ đột quỵ

Sự cô đơn kéo dài có thể khiến một người đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao giống như khi mắc bệnh nền hay có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh.

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Tác hại của đơn thuốc 'dày đặc' thuốc bổ

Các loại thuốc bổ được kê nhiều hơn thuốc điều trị đã vô hình gây tác hại cho người bệnh như tốn kém, dễ nhầm lẫn, dẫn đến quên hoặc bỏ thuốc.

Loại cá rẻ tiền có vô số tác dụng với sức khỏe

Cá diếc có nhiều giá trị dinh dưỡng, thịt thơm không tanh, tốt cho nhiều người kể cả bệnh nhân ung thư.

Mức hưởng bảo hiểm y tế của người dân thay đổi ra sao khi tăng lương cơ sở?

Khi mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, mức hưởng bảo hiểm y tế của người đi khám chữa bệnh có thay đổi.

Nhiều bệnh nhân đã được BHYT thanh toán hàng chục tỷ đồng

Nhiều bệnh nhân đã được quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hàng chục tỷ đồng trong quá trình điều trị, đặc biệt là các bệnh hiếm.

Uống bao nhiêu cà phê để ngăn ngừa sỏi thận?

Bắt đầu mỗi ngày với 1-2 tách cà phê có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau bao gồm sỏi thận, bệnh tim, tiểu đường loại 2, một số loại ung thư.

Đang cập nhật dữ liệu !