Tính toán với con dâu chỉ “lỗ”
Chị tin, chăm chút con dâu cẩn thận như thế, cô ấy sẽ cảm kích mà quý mến, sống tốt với chị.
Chị có kinh tế vững vàng nhưng sống giản dị, chi tiêu chừng mực. Chẳng ai ngờ chị lại bỏ một số tiền lớn đến vậy để cưới dâu hoành tráng.
Thiệp cưới chỉnh tới chỉnh lui theo ý chị, hoa văn tinh tế, màu sắc nhã nhặn, nghe nói chi phí lên tới gần 50.000 đồng một tấm thiệp. Không gian tiệc cưới lộng lẫy, ngập tràn hoa tươi. Hoa ngoại nhập có, hoa từ Đà Lạt có. Thực đơn toàn món ngon, cao cấp. Cung cách phục vụ thì miễn bàn, chuyên nghiệp và sang trọng.
Có người nói, cô dâu có phước mới vào được nhà chị. Người thì bảo, làm đám cưới xa hoa lãng phí quá, chi bằng tiền đó cho con làm vốn có phải hơn không? Có người lại cười, biết bọn trẻ có chung sống lâu bền không mà đầu tư tiệc cưới bằng gia tài của một đời người, lại cho con dâu số tiền quá khủng…
Chị xua tay nói, chẳng ai biết trước chuyện tương lai, nhưng con bé đã chấp nhận làm dâu nhà mình thì trước mắt phải chào đón trong khả năng mình có. Chị không mượn tiền làm đám cưới, tiền chị có, chị có quyền đón dâu theo cách của chị.
Chị chăm sóc con dâu chu đáo, tin rằng sẽ được đền đáp. (Ảnh minh họa) |
Ngày cưới của chị hồi ấy, mẹ chồng trao cho con dâu một chỉ vàng. Thời chị, nhà chồng đi cưới một chỉ vàng là quý rồi, có người thậm chí cưới dâu nửa chỉ.
Nhưng buồn ở chỗ, mới cưới được một tuần lễ, mẹ chồng đã “mượn lại” chỉ vàng ấy, đến nay 30 năm chưa trả, cũng không một lời nói năng. Chị nghĩ mãi không hiểu tại sao mẹ chồng lại xử tệ với chị thế. Thà bà xin lại số vàng cưới vì đó là vàng bà vay mượn, thì chị sẽ thông cảm.
Sau này, mỗi lần có chuyện không vui liên quan nhà chồng, chị lại lôi chuyện này ra làm khó chồng, rằng chị không giá trị trong mắt mẹ chồng, nên bà mới lấy lại vàng cưới không một lời giải thích. Chồng chị nói chị là “mụ đàn bà giận dai nhất quả đất”, rằng anh đã đưa chị bao nhiêu cây vàng sau này, tại sao không quên một chỉ vàng của mẹ?
Nhưng chị vẫn khẳng định chuyện gì ra chuyện nấy, không nhập nhằng, đấy cũng là lý do chị không cho phép mình sai lầm bất cứ điều gì nhỏ nhặt với dâu. Chi tiết trên tấm thiệp, chị cũng đầu tư suy nghĩ, chị đặt thêu hai áo gối với hình con công rất tinh xảo.
Chị tin, chăm chút con dâu cẩn thận như thế, cô ấy sẽ cảm kích mà quý mến, sống tốt với chị. Nếu nói chị nịnh con dâu cũng đúng.
Chị nghĩ, con dâu có học, kiếm tiền giỏi, cô ấy có thể không cần đầu tư mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, mà chỉ cần lễ phép là đủ.
Con dâu có thể vụng về bếp núc, lười nhác một chút, không khéo chiều chuộng mẹ chồng cũng không sao. Chỉ sợ con dâu ghét bỏ mẹ chồng, thì đó là thất bại của chị, vì khi ghét, dâu sẽ không chịu mở lời, không tâm tình, chia sẻ, mà đã ghét thì chuyện gì cũng ngứa mắt. Thử hỏi, người đàn bà giàu có như chị khi ấy có vui vẻ nổi không?
Chị cũng ý thức rằng, con trai lấy vợ, dĩ nhiên tình cảm lúc này con phải… cưa đôi. Chị nghĩ, chỉ có quý trọng con dâu thì tình thương chị dành cho con trai mới trọn vẹn. Mẹ chồng thương con dâu, chẳng mất mát gì. Trước mắt, người hạnh phúc nhất chính là con trai, bản thân chị cũng hạnh phúc.
Chỉ cần chịu hiểu con dâu một chút, mọi chuyện sẽ êm đẹp, lúc đó mọi sơ suất của người này, sẽ được người kia thông cảm, mà đã thông cảm nhau thì chuyện gì cũng ổn thỏa.
Từ câu chuyện bị mẹ chồng lấy lại chỉ vàng mà chị hậm hực tới tận hôm nay, chị rút ra một điều: đừng làm điều gì không trong sáng với dâu, đừng khó khăn, bắt bẻ, vô lý, bất công, qua mặt...
Chị nghĩ nhất định con dâu sẽ cảm động, biết ơn và học cách cư xử văn minh của mẹ chồng. (Ảnh minh họa) |
Dâu thời nay khác xa thời xưa. Mẹ chồng ỷ uy quyền mà bắt nạt dâu là lạc hậu rồi, chỉ có “lỗ” trở lên. Những câu chuyện nhỏ nhặt, râu ria, với người khác có thể dễ dàng bỏ qua, nhưng trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì dễ thành nhạy cảm, thành ra, chị quyết định sống tốt với dâu ngay khi con vừa chạm cửa nhà mình, ngay trong đám cưới này.
Động tác chị vén áo cho dâu, ép con dâu ăn một chút lấy sức vì tiệc cưới còn kéo dài, hay việc chị dùng khăn chấm mồ hôi trên má con dâu, chị nghĩ nhất định con dâu sẽ cảm động, biết ơn và học cách cư xử văn minh của mẹ chồng.
Mẹ chồng tốt, con dâu sẽ kiêng nể hơn mẹ chồng khó tính, khắt khe. Mẹ chồng tỏ uy quyền, con dâu sẽ thu mình, khó tương tác, lúc đó có khi chị… mất trắng đứa con trai. Chân lý cuộc đời chị thuộc nằm lòng: cho đi rồi sẽ nhận lại và chị tự nhiên bày biện, trao gửi tình cảm với dâu. Ai nói gì mặc kệ!
Theo phunuonline.com.vn