Tình hình Syria mới nhất ngày 9/3
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban ki-moon |
Tổng thư ký LHQ cố gắng giảm bớt căng thẳng trong các cuộc đàm phán tại Geneva sắp tới
Hôm thứ Ba (ngày 8/3) sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đưa ra tuyên bố, tất cả các bên tham gia tiến trình giải quyết xung đột cho Syria đều phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.
“Các cuộc đàm phán tại Geneva sẽ được nối lại vào ngày 9/3. Tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình” – ông Ban Ki-moon nói.
Trước đó phát ngôn viên của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - phe đối lập chính ở Syria, ông Riad Nassan Agha đưa ra thông báo, phe đối lập ôn hòa đã đồng ý một số nhượng bộ nhằm nối lại đàm phán tại Geneva.
Đồng thời cố vấn chính trị của Tổng thống Syria, ông Buseyna Shaaban cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ hàng đầu đối với Damascus hiện giờ vẫn là cuộc chiến chống lại các chiến binh thuộc tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo IS” đang hoành hành trên lãnh thổ quốc gia này.
Người Kurd tại Syria lại không được mời tham gia đàm phán tại Geneva |
Người Kurd tại Syria lại không được mời tham gia đàm phán tại Geneva
Hãng Ria Novosti dẫn phát biểu của Đồng chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) của người Kurd ở Syria - Saleh Muslim cho biết, Đảng này lại không được mời tham dự các cuộc đàm phán giải quyết tình hình cho Syria tại Geneva tới đây.
Theo ông Muslim, phe đối lập Syria được chính quyền Ả Rập Xê Út ủng hộ đã yêu cầu một số điều kiện tiên quyết để chấp nhận tham gia đám phán. Điều đó gây trở ngại cho tiến trình hòa bình tại quốc gia này.
Ngoài ra lực lượng này lại chú trọng tới việc thành lập một chính phủ lâm thời mà đương nhiên là chính quyền của Tổng thống Assad sẽ phản đối. Chủ tịch PYD kêu gọi Nga và Mỹ cố gắng bằng mọi nỗ lực để đảm bảo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn được tuân thủ tại Syria.
“Một lần nữa chúng tôi tuyên bố, chúng tôi muốn nhìn thấy một nhà nước Syria phân quyền, mà như ngôn ngữ của các bạn là thành lập Chính phủ Liên bang” – ông Muslim nói.
Thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu được thực thi tại Syria từ ngày 27/2, không áp dụng đối với các tổ chức khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ nước này.
Một trong những bên phản đối người Kurd tham gia hòa đàm cho Syria tại Geneva là Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này buộc tội lực lượng người Kurd cố gắng gây mất ổn định tình hình trong nước họ.
Trước đó, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) - bà Federica Mogherini kêu gọi Ankara hãy tiến hành đối thoại với người Kurd Syria.
hoạt động không kích các mục tiêu IS tại Syria của Không quân Nga có ảnh hưởng tích cực tới cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq |
Tổng thống Iraq: hoạt động không kích các mục tiêu IS tại Syria của Không quân Nga có ảnh hưởng tích cực tới cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq
Trả lời phỏng vấn với hãng Ria Novosti hôm 8/3, Tổng thống Iraq Fuad Maasum nhận định, hoạt động tấn công các cơ sở hạ tầng của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo IS” của Không quân Nga tại Syria đã ảnh hưởng tích cực tới cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq.
“Bất kỳ cuộc tấn công nào, thậm chí là ở Ma-rốc hay Châu Phi, mà nhằm vào IS thì đều có lợi cho chúng tôi. Vì sự nguy hiểm của IS nằm ở chỗ lực lượng của chúng không chỉ có mặt ở Iraq và Syria, mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Chúng tôi nhận ra điều này từ tấm gương của Pháp cũng như một số nơi khác trên thế giới (từng xảy ra các vụ tấn công khủng bố)” – người đứng đầu nhà nước Iraq cho biết khi được hỏi liệu hoạt động không kích IS của Nga tại Syria có ảnh hưởng tới cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq hay không.
Từ ngày 30/9/2015 Không quân Nga bắt đầu hoạt động không kích trên lãnh thổ Syria nhằm mục tiêu trợ giúp lực lượng chính phủ của Tổng thống Assad và phá hủy các cơ sở hạ tầng của IS tại đây.
Tới thời điểm này, các chiến đấu cơ của Nga đã tiêu diệt hàng ngàn mục tiêu của bọn khủng bố, bao gồm các trung tâm chỉ huy, kho đạn dược và các cơ sở huấn luyện chiến binh.
Hiện tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo IS” là một trong những mối đe dọa chính đối với an ninh toàn cầu. Trong vòng 3 năm trở lại đây, bọn khủng bố này đã giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn trên lãnh thổ Iraq và Syria.
Ngoài ra, chúng cũng đang cố gắng gây ảnh hưởng tới khu vực Bắc Phi, đặc biệt là Libya. Theo ước tính, tổng diện tích IS kiểm soát lên tới 90.000km2. Số lượng các chiến binh khủng bố của tổ chức cực đoan này vào khoảng 50.000 – 200.000 tên.
Không quân Mỹ bị mất 19 người trong chiến dịch không kích chống IS |
Không quân Mỹ bị mất 19 người trong chiến dịch không kích chống IS
Hãng Ria Novosti đưa tin, trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, Tư lệnh không quân Mỹ Deborah Lee James cho hay, Không quân Mỹ đã bị mất 19 phi công trong các hoạt động không kích chống lại tổ chức khủng bố IS.
"Chúng tôi đã mất đi 19 phi công. Tám người trong số họ hy sinh trong các cuộc tấn công của kẻ thù” – bà James xác nhận”.
Ngày 10/9/2014 Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập một liên minh quốc tế chống IS (do Mỹ dẫn đầu). Hiện liên minh này đang tiến hành không kích các mục tiêu IS ở Iraq với sự chấp thuận của Baghdad cũng như ở Syria mà chưa có sự đồng ý của chính phủ Tổng thống Assad.