Tình hình Syria mới nhất ngày 8/4
Tổng thống Nga Putin. |
Tổng thống Nga: Lực lượng vũ trang Nga giúp củng cố chủ quyền quốc gia cho Syria nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt
Phát biểu tại Diễn đàn truyền thông lần thứ 3 của Mặt trận dân tộc toàn Nga (ONF) tổ chức tại St Petersburg hôm thứ Năm (ngày 7/4), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, hai nhiệm vụ chính của lực lượng vũ trang Nga tại Syria là: phải củng cố chủ quyền quốc gia và bộ máy chính quyền hợp lý cho Syria.
Theo người đứng đầu Nhà nước Nga, quân đội LB Nga đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuy vậy chuyển biến căn bản của cuộc xung đột Syria vẫn chưa xảy ra.
“Hiện vẫn còn quá sớm để nói tới chuyển biến căn bản tại đó (Syria), nhưng việc chúng ta hoàn thành nhiệm vụ của mình đã quá rõ ràng” – ông Putin nhấn mạnh, đồng thời bổ sung thêm, không chỉ lực lượng không quân Nga mà còn có các đơn vị khác của quân đội Nga tham gia thực hiện nhiệm vụ trên lãnh thổ Syria.
Không quân Nga bắt đầu hoạt động không kích vào các mục tiêu của quân khủng bố tại Syria từ ngày 30/9/2015. Đến giữa tháng 3/2016 Tổng thống Nga tuyên bố, các chiến đấu cơ của Nga đã hoàn thành mọi nhiệm vụ tại đây và lực lượng chủ lực của Không quân Nga bắt đầu rút khỏi lãnh thổ Syria trở về nước.
Được biết hiện tại các chuyên gia Nga đã bắt đầu công việc tháo dỡ bom mìn tại làng Tadmor, nơi lưu trữ quần thể kiến trúc lịch sử của thành phố Palmyra (Syria).
Thành cổ Palmyra- Syria |
UNESCO yêu cầu quốc tế phải nỗ lực nhiều hơn để ổn định tình hình tại Iraq và Syria
Trong một bài phát biểu tại trụ sở chính ở Paris, Pháp Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) Irina Bokova tuyên bố, cộng đồng quốc tế cần phải nỗ lực gấp đôi để giải quyết tình hình tại Iraq và Syria.
Bà Bokova ghi nhận rằng, thành phố cổ Palmyra (Syria) đã tránh được những mối nguy hại mới do quân khủng bố IS đã vội vàng tháo chạy khỏi khu vực này, đồng thời cho biết UNESCO sẵn sàng cử một phái đoàn tới đánh giá tình hình tại Palmyra và sau đó sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về các biện pháp gìn giữ di sản thế giới tại Syria.
“Hiện vai trò phối hợp của UNESCO là quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta phải nhớ rằng, Palmyra không thể tách rời với toàn bộ di sản ở Syria cũng như không thể tách rời khỏi số phận và nỗi đau của người dân Syria” – nhà hoạt động văn hóa nhấn mạnh.
Trước đó có thông tin cho hay, các công binh Nga đã vô hiệu hóa được hàng nghìn thiết bị nổ tại thành phố cổ Palmyra thuộc Syria.
Việc buôn lậu ra ngoài Syria là hậu quả từ chính sách mở cửa của Thổ Nhĩ Kỳ |
Việc buôn lậu ra ngoài Syria là hậu quả từ chính sách mở cửa của Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng RIA Novosti dẫn nhận định của một đại diện chính quyền tỉnh Gaziantep thuộc Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, chính sách mở cửa của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh chống buôn lậu (đồ cổ) ra ngoài lãnh thổ Syria.
Theo đại diện này, những kẻ buôn lậu hoạt động tích cực ngay từ khi nội chiến bắt đầu ở Syria. Vào năm 2011 nội chiến Syria vẫn còn chưa có sự xuất hiện của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo IS” nhưng thời điểm đó dòng chảy những kẻ buôn lậu đồ cổ đã đổ xô vào Thổ Nhĩ Kỳ. Dòng chảy này lớn mạnh cùng với sự gia tăng chiến sự tại Syria.
Một số kẻ buôn lậu đã bị bắt giữ gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, một vài tên trong số chúng có thể đã trốn thoát. Đại diện Gaziantep nhấn mạnh, hoạt động (buôn lậu) tích cực này càng trở nên phức tạp hơn vì Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện chính sách mở cửa cho người tị nạn Syria, bất cứ ai cũng có thể xâm nhập lãnh thổ nước nào.
Trước đó, đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin cũng nhận định, phần giá trị (tài sản) chính của Syria đã bị phiến quân khủng bố IS vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, thành phố Gaziantep nằm gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành trung tâm buôn lậu lớn.
Mỹ yêu cầu các nước Ả Rập ngừng cung cấp vũ khí cho Syria |
Mỹ yêu cầu các nước Ả Rập ngừng cung cấp vũ khí cho Syria
Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng TASS ngày 6/4 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố, Mỹ đã yêu cầu các nước Ả Rập ngừng cung cấp vũ khí vào khu vực xung đột quân sự ở Syria nhằm duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại quốc gia này.
“Chúng tôi đã kêu gọi tất cả các bên ngừng mọi hoạt động như vậy nhằm duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở Syria” – ông Toner nói.
Trước đó Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - chuẩn đô đốc Andrew Lewis đã khẳng định, các hoạt động chống IS của Không quân Nga trên lãnh thổ Syria hoàn toàn không gây cản trở cho các quốc gia khác cũng tham gia giải quyết xung đột tại đây.
LHQ sẽ di tản khoảng 5.000 dân thường bị bệnh và bị thương ra khỏi Syria |
LHQ sẽ di tản khoảng 5.000 dân thường bị bệnh và bị thương ra khỏi Syria
Theo cố vấn đặc phái viên LHQ về Syria Jan Egeland, tổ chức này dự định sẽ di tản khoảng 5.000 dân thường bị bệnh và bị thương ra khỏi Syria.
Ông Egeland cho biết, từ đầu năm tới nay có 446.000 dân thường ở vùng sâu vùng xa và khu vực bị bao vây nhận được hàng cứu trợ nhân đạo. Nhưng hiện giờ tình hình bắt đầu xấu đi.
Năm đoàn cứu trợ của Liên Hiệp Quốc đã không vào được Syria. Phe đối lập có vũ trang tại đây không cho những đại diện của Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ đi vào lãnh thổ Syria.
Liên quan tới tình huống phức tạp này LHQ đã kêu gọi những cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng tới các bên tham gia xung đột trợ giúp cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho người dân nghèo tại những vùng khó khăn ở Syria.
Sắp tới LHQ dự kiến sẽ sơ tán khoảng 5.000 người khỏi Syria. Theo ông Elegand đây sẽ là cuộc sơ tán y tế lớn nhất trong lịch sử của LHQ.
Những dân thường bị bệnh và bị thương ở Madaya sẽ là những trường hợp đầu tiên được sơ tán theo kế hoạch.