Tình hình Syria mới nhất ngày 5/7: Mỹ có bao nhiêu căn cứ quân sự tại Syria?
Mỹ tăng cường hiện diện ở phía bắc Syria
Một đại diện cấp cao của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) giấu tên cho Sputnik Thổ Nhĩ Kỳ biết Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự ở phía bắc Syria. “Hoa Kỳ đang thiết lập các căn cứ quân sự ở vùng lãnh thổ phía bắc đã được giải phóng khỏi IS”, nguồn tin cho hay.
Mỹ sẽ thiết lập thêm căn cứ quân sự ở phía bắc Syria. Nguồn: Sputnik |
Người này cũng cho biết trước đó Mỹ đã thiết lập các căn cứ ở Kobani, Manbij, Hasakah, al-Shadadi và al-Hawl. “Hiện họ đang xây dựng một căn cứ ở khu vực mới được giải phóng Tabqa, gần kho dự trữ có cùng tên. Căn cứ này sẽ đi vào hoạt động vào mùa thu tới trong khuôn khổ chiến dịch giải phóng Raqqa cũng như các chiến dịch ở Deir ez-Zor”, nguồn tin nói.
Theo nguồn tin này, trong tương lai Mỹ dự định tiếp tục gia tăng số căn cứ ở Syria. Như vậy, tính cả căn cứ chuẩn bị đi vào hoạt động, lực lượng Mỹ tại Syria đã có tổng cộng 8 căn cứ quân sự ở quốc gia này.
Trong khi đó, Nga và Iran là những lực lượng nước ngoài duy nhất được phép của chính phủ Syria có thể tiến hành cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố trong lãnh thổ nước này.
Cảnh sát quân sự Nga sẽ có mặt ở các vùng đệm?
Trưởng phái đoàn Nga ở Đối thoại Astana về Syria, Alexander Lavrentyev cho biết việc cảnh sát quân sự Nga có mặt tại các vùng đệm ở Syria đã được đưa vào kế hoạch nhưng chưa phê duyệt chính thức.
Cuộc họp thứ 4 của Astana hồi tháng 5 đã đêm lại kết quả vượt bậc khi ba bên cùng ký vào một bản ghi nhớ thành lập bốn “vùng đệm” giảm căng thẳng ở Syria. Việc giám sát các vùng giảm leo thang này là chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại cuộc họp thứ 5 Astana ở thủ đô Kazakh.
“Hiện rất khó để nói đến sự có mặt của các giám sát viên Nga, đại diện của Bộ Quốc phòng Nga, nhưng về tổng thể việc cảnh sát quân sự Nga xuất hiện tại các vùng đệm an ninh đã được cân nhắc đưa vào kế hoạch mặc dù vấn đề này chưa được thông qua”, ông Lavrentyev cho các phóng viên biết.
Theo đó, các bên cam kết sẽ tạo ra hai trung tâm giám sát, Jordan-Nga-Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ-Nga chịu trách nhiệm cho khu vực giảm leo thang phía nam.
Nga đang cân nhắc cử thêm lực lượng kiểm soát quân sự tới Syria. Nguồn: Sputnik |
Trước đó, ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga) cho biết nếu cần thiết, Moscow có thể tăng cường lực lượng cảnh sát quân sự ở Syria.
Lần đầu tiên, Nga triển khai một đơn vị cảnh sát quân sự tới Aleppo là cuối năm 2016.
Lực lượng thân Mỹ phá tuyến phòng ngự của IS
Lực lượng Syria được Mỹ “chống lưng” đã phá vỡ bức tường bao quanh Raqqa, thủ phủ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là thắng lợi lớn của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong chiến dịch đánh tan sào huyệt cuối cùng của IS kéo dài nhiều tuần qua.
AP đưa tin, ngày 4/7, Bộ Tư lệnh trung tâm của Mỹ (CENTCOM) cho biết liên quân chống khủng bố đã tấn công vào hai đoạn nhỏ của bức tường Rafiqah, tạo điều kiện để lực lượng bộ binh có đà tiến công thọc sâu vào khu vực kiên cố nhất của thành phố Raqqa.
CENTCOM cho biết các trận không kích nói trên giúp binh sĩ thuộc nhóm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tránh được các bẫy mìn và qua mặt được các tay súng bắn tỉa. Bức tường dài 2.500 m nhờ vậy cũng được bảo toàn nguyên vẹn.
Ông Rami Abdurrahman, đứng đầu cơ quan giám sát nhân quyền Syria (SOHR) trụ sở tại Anh, cho biết việc phá vỡ thành công bức tường này là bước đi quan trọng nhất trong trận quyết chiến ở Raqqa. Ông cho biết ba đơn vị SDF đã thâm nhập sâu vào sau bức tường dưới sự yểm hộ của hỏa lực không quân, phá vỡ tuyến phòng ngự của IS. Đã có các cuộc đụng độ khốc liệt giữa lực lượng hai bên.