Tình hình Syria mới nhất ngày 3/3: Nga bị tố "bịa chuyện" căn cứ Mỹ ở Syria
Nga bị tố bịa chuyện căn cứ Mỹ ở Syria
Một phát ngôn viên của “Chiến dịch nhổ tận gốc” chia sẻ với Sputnik hôm 2/3 rằng, những cáo buộc của Nga về việc Mỹ thành lập nhiều căn cứ quân sự ở phía bắc Syria là sai sự thật và liên quân Mỹ chỉ tập trung vào cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Quân đội Mỹ đi qua tỉnh Amuda, phía bắc Syria hồi tháng 4/2017. |
“Tuyên bố gần đây của Nga về việc liên quân do Mỹ đứng đầu thiết lập hàng loạt căn cứ quân sự mới ở Syria là không đúng và bịa đặt. Chúng tôi chỉ tập trung vào tiêu diệt IS chứ không thành lập các căn cứ hoạt động thường trực hay mở rộng tầm ảnh hưởng ở Syria”, người phát ngôn nói.
Cũng theo người này, tuyên bố của phía Nga đã cản trở nỗ lực của liên quân Mỹ trong việc hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bao gồm các tay súng người Kurd ở phía bắc Syria.
Trước đó, ông Alexander Venediktov, một quan chức thuộc Hội đồng An ninh Nga cho hay, Lầu Năm Góc đã thiết lập gần 20 căn cứ quân sự ở khu vực người Kurd kiểm soát tại Syria. Theo ông Venediktov, hành động của Mỹ là nhằm phá vỡ nỗ lực mang lại hòa bình và ổn định cho Syria.
Quân đội Mỹ đã hoạt động ở Syria kể từ năm 2014 mà không nhận được sự chấp thuận của chính phủ Syria cũng như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, hồi tháng Một, Washington thông báo triển khai huấn luyện cho 30.000 quân nhân thuộc lực lượng bảo vệ biên giới với nhiều thành viên thuộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), Đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại xem hai tổ chức này là mạng lưới của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn nằm trong danh sách khủng bố của Ankara.
Quân đội Nga cũng đã triển khai chiến dịch quân sự hỗ trợ các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar Assad kể từ năm 2015.
2 trẻ em tháo chạy khỏi Đông Ghouta dưới làn đạn của quân nổi dậy
Bộ Quốc phòng Nga cho hay, 2 trẻ em đã chạy thoát thân khỏi khu vực Đông Ghouta vào ban đêm thông qua hành lang nhân đạo dưới làn đạn của quân nổi dậy.
Hành lang an toàn nằm giữa Damascus và Đông Ghouta gần trại tị nạn al-Wafideen. |
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, các tay súng khủng bố vẫn tiếp tục nổ súng vào các hành lang nhân đạo để ngăn chặn người dân chạy trốn khỏi vùng chiến sự.
“Vào ban đêm, 2 trẻ em, một trai và một gái đã cố gắng tiếp cận hành lang an toàn. Quân nhân Syria ở trạm kiểm soát đã phát hiện ra sự xuất hiện của 2 đứa trẻ và cố gắng tiếp cận chúng trong khi quân nổi dậy vẫn không ngừng nổ súng về phía 2 đứa trẻ. Các bác sĩ và chuyên gia tâm lý đã được điều động tới hỗ trợ 2 đứa trẻ”, RT dẫn lời phát ngôn viên Trung tâm Tái hòa giải Syria của Nga, Thiếu tướng Vladimir Zolotukhin chia sẻ với báo chí hôm 2/3.
Hiện tại, các tay súng nổi dậy vẫn không ngừng ngăn người dân tháo chạy khỏi Đông Ghouta đồng thời cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo ở khu vực này bất chấp lời kêu gọi từ Trung tâm Tái hòa giải Syria của Nga.
“Trong ngày hôm nay, ở khu vực phía đông ngoại ô Douma, các tay súng thuộc tổ chức Jaysh Al-Islam đã bắn pháo cối hai lần nhằm vào một hành lang an ninh nằm trên tuyến đường M2 dẫn tới trạm kiểm soát Mukhayyam al-Wafideen. Rõ ràng, vụ pháo kích này là nhằm ngăn chặn người dân rời khỏi Đông Ghouta”, ông Zolotukhin nhấn mạnh.
Cũng theo ông Zolotukhin, những người còn bị mắc kẹt lại ở Đông Ghouta, khu vực nằm gần thủ đô Damascus đã bắt đầu có hành động đáp trả lại việc bị quân nổi dậy phong tỏa. Cụ thể, một số người dân đã tự thành lập nhóm vũ trang để giải vây nhằm tiến tới khu vực thuộc sự kiểm soát của quân chính phủ Syria.
“Chúng tôi đã nhận được thông tin về tình hình khủng hoảng nhân đạo, cạn kiệt thực phẩm và thuốc men cùng việc đáp trả lại hành động của quân nổi dậy. Nhiều bằng chứng cho thấy đã xuất hiện các nhóm vũ trang quy mô nhỏ do người dân thành lập để phá vòng vây của quân nổi dậy nhằm tiến vào khu vực do quân đội Syria kiểm soát”, ông Zolotukhin cho hay.
Dù Nga đã ban bố thành lập thời gian ngừng bắn 5 giờ/ngày bắt đầu từ lúc 9h – 14h từ ngày 27/2 ở Đông Ghouta để người dân có cơ hội chạy trốn tới nơi an toàn nhưng phe nổi dậy vẫn liên tiếp có hành động ngăn cản.