Tình hình Syria mới nhất ngày 22/12
Ảnh mang tính chất minh họa. |
Quân đội Syria bị tấn công tại Damascus
Tại Syria, những cuộc giao tranh vẫn tiếp tục, quân khủng bố gầm gừ đáp trả, tấn công dồn ép quân chính phủ. Theo thông tin từ đại diện của Nhóm Trăng lưỡi liềm đỏ, tại Damascus quân khủng bố đã cho nổ tung một chiếc xe bus chở quân chính phủ làm 10 binh lính bị thương, một vài người trong số đó đang trong tình trạng nguy hiểm. Vụ nổ xảy ra trên đường cao tốc Mezze thuộc thành phố Damascuss.
"Quả bom phát nổ tại thời điểm chiếc xe bus rẽ vào đường cao tốc Mezze gần Khoa y của Đại học Tổng hợp quốc gia”, phóng viên tại hiện trường cho biết. Các nhân viên y tế và cứu hộ có mặt tại đây để đưa những người bị thương đến các bệnh viện gần nhất. Giao thông về hướng trung tâm hầu như bị tắc nghẽn, lực lượng quân đội đang bao vây hiện trường vụ nổ.
Tình hình tại Idlib
Các thông tin mâu thuẫn từ thành phố Idlib (nằm dưới quyền kiểm soát của các nhóm nổi dậy chống chính phủ từ tháng 3/2015). Theo truyền thông phương Tây, gồm các Hãng Reuters, Euronews và BBC, tại Idlib xảy ra các vụ đánh bom làm ít nhất 45 dân thường, trong đó có trẻ em thiệt mạng.
Lực lượng cứu hộ đã xác nhận con số này và cho biết thêm, có thể còn những thi thể người chết dưới các đống đổ nát. Hàng trăm người khác bị thương trong các vụ đánh bom tại đây. Qua camera theo dõi, một số tòa nhà cao tầng gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Hãng Reuters dẫn lời các nhân viên cứu hộ và người dân địa phương cho hay thành phố được cho là bị tấn công bởi các máy bay của lực lượng Không quân Nga (lực lượng đã được học cách phân biệt dân thường với quân khủng bố ở độ cao bắt đầu ném bom).
Theo người dân địa phương, ít nhất đã xảy ra 6 cuộc không kích vào trung tâm thành phố. Nga bác bỏ thông tin tấn công vào dân thường. Truyền thông phương Tây, đặc biệt là Hãng Reuters không ít lần đã đổ lỗi cho các máy bay Nga đã tấn công vào dân thường.
Đáp trả lại, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận hoàn toàn các cuộc tấn công vào tỉnh Idlib trong những ngày vừa qua. Lần cuối cùng từ “Idlib” xuất hiện trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga là ngày 16/12.
Theo đó, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, tại các tỉnh Homs, Idlib và Aleppo Không quân Nga giáng các đòn tấn công mạnh vào cơ sở hạ tầng của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo IS”.
“Tại các khu vực lân cận khu dân cư El-Karateyn, tỉnh Homs máy bay Su-24M đã ném bom phá hủy một cơ sở trá hình của quân khủng bố. Dưới hầm trú ẩn tại đây, quân IS đã thiết lập một căn cứ chỉ huy, một kho đạn dược và các trại lính”, phát ngôn viên chính thức Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo.
Ông Konashenkov cho biết thêm, Không quân Nga còn tấn công vào một loạt điểm tụ tập của chiến binh IS cùng các phương tiện kỹ thuật của họ tại các tỉnh Aleppo và Idlib. Tại ngoại ô thành phố Maaret al-Numan, tỉnh Idlib tiêm kích Su-25 đã phá hủy hoàn toàn một cơ sở lớn của bọn khủng bố.
Scandal bom chùm
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Right Watch (HRW) thường xuyên công kích Nga và chính phủ Syria. Trong một báo cáo được công bố bởi tổ chức này, Nga và quân đội Syria bị cáo buộc sử dụng bom chùm - loại vũ khí bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia để tấn công IS.
Theo báo cáo của HRW, tính từ ngày 30/9 khi không quân Nga bắt đầu hoạt động không kích tại Syria, lực lượng này đã không dưới 20 lần sử dụng bom chùm trong các cuộc tấn công. Kết quả việc sử dụng loại vũ khí này của Nga và quân đội Assad đã làm 35 dân thường, trong đó có 5 phụ nữ và 17 trẻ em thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Các nhà hoạt động nhân quyền khẳng định tất cả các loại bom chùm được tìm thấy đều do Liên Xô và Nga sản xuất. Suy luận theo logic thì chỉ có quân đội Syria và không quân Nga mới thực hiện được các vụ không kích sử dụng loại bom này vì các nhóm vũ trang khác hoạt động trên lãnh thổ Syria đều không sử dụng lực lượng không quân.
Công ước về bom chùm (Convention on Cluster Munitions - CCM) - một hiệp ước quốc tế về việc cấm sử dụng, chuyển giao và tàng trữ các loại bom chùm. Công ước đã được thảo luận vào tháng 06/2008 tại Dublin, Ireland; bắt đầu ký kết vào tháng 12/2008 tại Oslo, Nauy và có hiệu lực từ ngày 01/08/2010.
Đến tháng 9/2013 đã có 113 quốc gia tham gia ký kết Công ước này, 84 quốc gia khác đã phê chuẩn các tài liệu có liên quan. Tuy nhiên Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Hàn Quốc từ chối tham gia CCM.
Israel thực hiện tấn công khủng bố ở Syria
Giới chức Damascus lên án vụ không kích của Israel vào khu dân cư Jaramana ở ngoại ô thủ đô Syria ngày 19/12 là một “hành động khủng bố”. Phía Jerusalem không hề đưa ra thông báo chính thức về vụ tấn công này.
Vụ không kích đã giết chết thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah (nhóm Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon) Samir Qantar, tên này đã từng bị kết án tù chung thân vì tội giết 4 dân thường Israel, trong đó có một bé gái 4 tuổi.
Thủ lĩnh Samir Qantar đã bị Israel giam cầm 29 năm và được thả năm 2008 để trao đổi lấy thi thể hai binh sĩ Israel bị bọn khủng bố bắt cóc và giết hại. Ngoài Qantar, Không quân Israel còn làm ít nhất 12 dân thường thiệt mạng trong đợt không kích này.
Ban đầu, các nhà chức trách Syria không đưa ra ý kiến gì về vụ tấn công của Israel, nhưng sau đó họ tuyên bố rằng, chính phủ Syria coi vụ không kích này là một hành động khủng bố.
Theo tuyên bố chính thức của chính phủ Syria: “Hội đồng Bộ trưởng lên án vụ tấn công khủng bố đã gây ra cái chết của những dân thường vô tội, trong đó có anh hùng Samir Qantar – một cựu tù nhân Lebanon tại nhà tù Israel”.
Nhóm Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon “Hezbollah” được coi là một tổ chức khủng bố ở một số quốc gia. Tổ chức này kết hợp hoạt động chặt chẽ với chính phủ của Tổng thống Assad.
Nhóm này cũng đổ trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố và giết chết người anh hùng của họ cho Israel (Hezbollah không bị coi là tổ chức khủng bố tại Nga).
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang mạng Riafan.ru, trang chuyên đưa tin về hình hình kinh tế, chính trị…các nước, đặc biệt là Ukraine và các nước Trung Đông.