Tình hình Syria mới nhất ngày 18/7: IS thất thế ở thành trì Raqa
Cảnh hoang tàn tại Syria. |
Mỹ - Israel cần đối thoại về lệnh ngừng bắn tại Syria
Theo Sputnik, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho rằng Mỹ cần đối thoại một cách "toàn diện" với Israel về việc duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Washington và Moscow dàn xếp.
Ông Kosachev cho biết "Sẽ hợp lý nếu Washington tổ chức các cuộc đối thoại toàn diện với Israel - đồng minh chủ chốt của họ tại Trung Đông - về vấn đề duy trì thỏa thuận ngừng bắn, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của tiến trình hòa bình tại Syria".
Trong một diễn biến liên quan, cũng theo Sputnik, Thủ tướng Israel phản đối thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Truyền thông địa phương đưa tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng phản đối thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian ở miền Nam Syria. Tuyên bố này được ông Netanyahu đưa ra trong một cuộc họp báo sau khi gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tờ Haaretz cho hay theo quan điểm của ông Netanyahu, thỏa thuận ngừng bắn nói trên đã duy trì sự hiện diện của Iran tại Syria, đồng thời cho biết Thủ tướng Israel nhấn mạnh ông hoàn toàn phản đối thỏa thuận này.
Trước đó, trong cuộc gặp hôm 7/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí triển khai một thỏa thuận ngừng bắn mang tính khu vực ở miền Nam Syria.
Mỹ, Nga vẫn giữ liên lạc nhằm giảm căng thẳng tại Syria |
Mỹ, Nga vẫn giữ liên lạc nhằm giảm căng thẳng tại Syria
Theo Sputnik, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Michelle Baldanza cho biết lực lượng Mỹ và Nga hàng ngày vẫn đang phối hợp với nhau trong việc tiến hành các cuộc không kích tại Syria cũng như giảm căng thẳng giữa hai nước.
Đề cập đến liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu tại Syria, bà Baldanza nhấn mạnh: "Liên quân và Nga tiếp xúc hàng ngày qua những kênh liên lạc giảm căng thẳng, nhằm đảm bảo hai bên đều nắm rõ về tình hình lực lượng cũng như các chiến dịch của nhau".
Theo bà Baldanza, những hoạt động này đã cho thấy sự hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cho các phi hành đoàn cũng như các chiến dịch của liên quân, đồng thời giảm thiểu được những sai lầm chiến lược. Bên cạnh đó, bà Baldanza cho rằng việc tiếp xúc hàng ngày đã giúp giảm căng thẳng trong quan hệ Washington-Moskva, tuy nhiên người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ không nói rõ chi tiết.
IS thất thế ở thành trì Raqa (Ảnh minh họa) |
IS thất thế ở thành trì Raqa
Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ngày 17/7 tuyên bố chiếm được thêm một khu vực ở Raqa, miền Bắc Syria khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Người phát ngôn của SDF ,bà Jihan Sheikh Ahmed thông báo: "Quận Al-Yarmuk đã được giải phóng hôm qua". Al-Yarmuk là quận lân cận lớn nằm ở ngoại ô phía Tây Nam thành phố Raqa.
Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ bảo trợ, một liên minh bao gồm các tay súng người Kurd và Arập, năm ngoái đã tiến hành một chiến dịch nhằm giành lấy Raqa, và tiến vào thành trì của IS này hồi tháng 6 vừa qua. Hơn 330.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến Syria kể từ tháng 3/2011.
EU sẽ gia tăng trừng phạt Syria
Theo AP, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ trừng phạt 16 người Syria được cho là có liên quan tới các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu trước thềm cuộc họp ngoại trưởng các nước EU diễn ra ngày 17/7, người đứng đầu ngành ngoại giao Anh thông báo 16 quan chức quân sự và khoa học Syria sẽ đối mặt với lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Ông Johnson nhấn mạnh "các biện pháp trừng phạt cho thấy quyết tâm của Anh và các nước bạn bè châu Âu” trong việc đối phó với các cuộc tấn công hóa học tại Syria.
Hồi tháng 5, EU đã gia hạn các biện pháp trừng phạt có giới hạn đối với Syria thêm một năm, do cáo buộc nước này tiếp tục các hành động bạo lực nhằm vào người dân. EU đã trừng phạt 240 cá nhân và 67 tổ chức tại Syria với lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản.