Tình hình Syria mới nhất ngày 17/7: Mỹ - Israel đổ bể hợp tác vì S-400 của Nga
Mỹ - Israel đổ bể hợp tác vì S-400 của Nga
Nhà tư vấn chính trị Syria Suleiman al Suleiman cho biết, Mỹ và Israel từng chuẩn bị cho một kế hoạch quân sự chung ở Syria nhưng cuối cùng kế hoạch này đã bị bỏ ngỏ sau khi nhiều thông tin khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã hoạt động tại vùng chiến sự ở Syria.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. |
Cũng theo ông al Suleiman, nếu không bị hủy bỏ, Mỹ và Israel sẽ thực hiện kế hoạch chung vào ngày 2 – 4/7.
“Hoạt động chung giữa Mỹ và Israel đã bị hủy bỏ sau khi có báo cáo cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga và hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa đã được kích hoạt ở Syria”, Sputnik dẫn lời ông al Suleiman.
Trong khi đó, Moscow đã triển khai hệ thống S-400 tới Syria sau khi máy bay của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga tại khu vực biên giới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015.
Còn trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Sputnik, chuyên gia phân tích chính trị Iran kiêm tổng biên tập tờ Iran Press, ông Emad Abshenass cho biết, “kế hoạch chia rẽ Syria” của Mỹ và Israel bị hủy bỏ do sự xuất hiện của Iran trong cuộc chiến ở Syria.
“Việc Iran chủ động tham gia cuộc chiến ở Syria trong khi Iraq đóng vai trò lớn giúp đỡ quân đội Syria trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Thực tế, sự can thiệp của Iran đã phá vỡ kế hoạch của Mỹ và Israel trong việc chia tách Syria và Iraq. Đó là lý do tại sao Israel đang tìm lời bào chữa cho hành động thực hiện các đợt không kích trên lãnh thổ Syria”, ông Abshenass chia sẻ.
Hồi tháng Sáu, các lực lượng quốc phòng Israel (IDF) đã tiến hành một số cuộc tấn công nhằm vào vị trí của quân đội Syria và các lực lượng đồng minh của Syria.
Liên quan tới sự việc trên, chuyên gia chiến lược và quân sự Syria, Tướng Yahia Suleiman cho rằng, hành động “khiêu khích” của Israel là một phần trong kế hoạch gây bất ổn ở Syria và làm suy yếu mối quan hệ đồng minh của Damascus.
Lý giải việc tình hình ở Syria đã thay đổi sau cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, ông al-Suleiman cho rằng: "Trước khi diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, cộng đồng quốc tế đều phản đối chính quyền Damascus và quân đội Syria. Mọi người nói về “giới hạn đỏ” không được vượt qua. Cũng chính thời điểm này, các lực lượng khủng bố tiếp tục nhận được nguồn tài chính hỗ trợ từ bên ngoài. Nhưng khi vùng hạ nhiệt căng thẳng được thành lập ở Syria, kế hoạch riêng của Mỹ tại Syria đã không thể tiến hành”.
Cũng theo ông al Suleiman, hiện tại các quan chức Nga – Mỹ đang cùng hợp tác để duy hoạt động thi hành thỏa thuận ngừng bắn mới Syria.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, vùng hạ nhiệt căng thẳng được thiết lập ở khu vực tây nam Syria bao gồm các tỉnh Daraa, Quneitra và Suwayda từ ngày 9/7.
Quân đội Nga chuyển hàng cứu trợ tới Quneitra
Sputnik đưa tn hôm 16/7, các binh sĩ Nga thuộc trung tâm hòa giải Syria của Bộ Quốc phòng Nga đã chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới 500 gia đình ở khu vực Jabah thuộc tỉnh Quneitra của Syria. Đây là một trong những khu vực nằm trong vùng hạ nhiệt căng thẳng ở Syria.
Người dân Syria nhận hàng cứu trợ nhânđạo. |
Ngoài việc nhận được các nhu yếu phẩm cần thiết, những người bị thương ở Jabah còn được các bác sĩ người Nga cứu chữa.
Theo một quan chức cảnh sát Syria, hàng cứu trợ từ Nga sẽ tiếp tục được vận chuyển tới Quneitra trong thời gian tới.
Cũng theo người này, tình hình ở Syria hiện đang hạ nhiệt sau khi thỏa thuận ngừng bắn được thi hành nhưng các tay súng đối lập vẫn tiếp tục có hành động khiêu khích.
Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang năm thứ 6 trong bối cảnh quân chính phủ Syria vừa chiến đấu chống lại quân đối lập vừa tiêu diệt các tổ chức khủng bố. Moscow cũng nhiều lần khẳng định hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của Damascus đồng thời chuyển hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân sinh sống tại vùng chiến sự.
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký kết một văn bản ghi nhớ về việc thành lập 4 vùng an toàn ở Syria có hiệu lực thi hành từ ngày 6/5.
Theo đó, 4 vùng an toàn ở Syria trải dài từ phía tây bắc tỉnh Idlib và các khu vực ở Latakia, Hama và Aleppo, phía bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta gần Damascus cũng như các khu vực nam Daraa và Quneitra.
Trong cuộc họp hôm 4/7 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, hai nhà lãnh đạo cũng đã đồng thuận thực thi một thỏa thuận ngừng bắn ở phía nam Syria.