Tình hình Syria mới nhất ngày 1/7
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria
Theo Sputnik ngày 30/6, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những khía cạnh chính liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những khía cạnh chính liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong đó có đề cập đến vòng hòa đàm thứ năm được tổ chức vào đầu tháng 7/2017 tại Astana (Kazakhstan), dưới sự dàn xếp của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn Điện Kremlin cho biết ông Putin và ông Erdogan có thể gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 sắp diễn ra tại Hamburg (Đức).
Israel đáp trả quân đội Syria sau vụ bắn đạn lạc
Theo Tân Hoa xã ngày 30/6, giới chức Israel thông báo máy bay chiến đấu của nước này đã không kích một vị trí súng cối của quân đội Syria, gần khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước. Vụ không kích này diễn ra sau khi lực lượng chính phủ Syria bắn đạn súng cối lạc vào các khu vực do Israel kiểm soát trên Cao nguyên Golan.
Trong một thông báo, một người phát ngôn quân đội Israel cho biết máy bay của lực lượng không quân nước này đã “nhắm vào một vị trí nơi quân đội Syria đã bắn pháo tại khu vực phía Bắc Cao nguyên Golan”.
Đây là lần thứ 5 kể từ ngày 24/6 vừa qua đạn cối bay lạc từ Syria vào các khu vực do Israel kiểm soát trên Cao nguyên Golan, song không gây ra thương vong hay thiệt hại. Trong hầu hết các trường hợp, Israel trả đũa bằng các cuộc không kích.
IS rút khỏi tỉnh Aleppo của Syria
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) không còn hiện diện ở tỉnh Aleppo của Syria nữa sau khi rút khỏi hàng loạt làng mạc - nơi lực lượng chính phủ đang tấn công.
Giám đốc SOHR, ông Rami Abdel Rahman xác nhận: "IS đã rút khỏi 17 thị trấn, làng mạc và trên thực tế ở bên ngoài tỉnh Aleppo sau khi hiện diện ở đây trong 4 năm".
Trong một diễn biến liên quan, SOHR trước đó thông báo IS đã tái chiếm một quận phía Đông thành phố Raqa - thành trì của IS ở Syria. Ông Rahman nhấn mạnh: "IS đã hoàn toàn tái chiếm Al-Senaa, vốn là khu vực quan trọng nhất mà Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) giành được. IS tấn công SDF bằng đánh bom tự sát, máy bay không người lái và cả việc sử dụng các đường hầm".
Gần nửa triệu người tị nạn Syria trở về nhà
Ngày 30/6, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết kể từ đầu năm đến nay, gần 500.000 người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn đã trở về nhà, chủ yếu là để tìm người thân và tìm tài sản.
Theo UNHCR, kể từ tháng 1 đến nay, hơn 440.000 người phải đi sơ tán trong nước đã trở về nhà ở các thành phố Aleppo, Hama, Homs và thủ đô Damascus. Ngoài ra, hơn 31.000 người tị nạn ở các quốc gia láng giềng cũng đã trở về Syria, đưa số người tị nạn ở nước ngoài quay lại quốc gia Trung Đông này kể từ năm 2015 lên 260.000 người.
Tuy nhiên, người phát ngôn UNHCR Andrej Mahecic cho rằng con số này quá ít so với 5 triệu người Syria phải đi tị nạn. Theo ông, lý do chính thúc đẩy họ trở về là để tìm kiếm người thân, kiểm tra tài sản và một số trường hợp trở về do nhận thấy an ninh được cải thiện tại một số khu vực của đất nước.
Cuộc nội chiến Syria bùng phát từ tháng 3/2011, đến nay đã khiến hơn 320.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Ngoại trưởng Nga Lavrov |
Nga hoài nghi báo cáo của OPCW về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria
Theo Spunik ngày 30/6, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này tin rằng báo cáo của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) về việc sử dụng chất độc thần kinh Sarin tại Syria vào mùa Xuân năm 2016 dựa trên dữ liệu không đáng tin cậy.
Vụ Thông tin Báo chí thuộc bộ trên nêu rõ: "Thật đáng tiếc, chúng tôi buộc phải tuyên bố sau lần đầu tiên nghiên cứu tài liệu này rằng kết luận của nó vẫn dựa trên dữ liệu rất đáng ngờ". Theo cơ quan này, dữ liệu mà OPCW thu được đều từ phe đối lập và những tổ chức phi chính phủ (NGO) vốn có nhiều điều tiếng giống như tổ chức Mũ sắt trắng, và không nằm ở khu vực nơi xảy ra thảm kịch trên mà tại một nước láng giềng nào đó. Bộ trên nhấn mạnh rằng do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nội dung báo cáo của phái bộ đặc biệt của OPCW phần lớn là thiên lệch, cho thấy sự hiện diện của một mệnh lệnh chính trị can thiệp vào hoạt động của tổ chức này.
Hãng Reuters hôm 29/6 đưa tin OPCW khẳng định chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng trong một vụ tấn công ở miền Bắc Syria hồi tháng 4 khiến hàng chục người thiệt mạng. Báo cáo này được phân phát đến các thành viên của OPCW ở La Hay (Hà Lan), nhưng không được công bố ra bên ngoài.