Tình hình Syria mới nhất ngày 16/6
Bộ Quốc phòng Đức: lực lượng quân sự Đức không có mặt tại Syria (Ảnh minh họa) |
Bộ Quốc phòng Đức: lực lượng quân sự Đức không có mặt tại Syria
RIA Novosti đưa tin, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Berlin phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố, các chiến sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm cũng như các đơn vị quân sự khác của Đức hiện không có mặt trên lãnh thổ Syria.
“Lực lượng đặc nhiệm Đức không có mặt ở Syria. Chúng tôi cũng không triển khai bất kỳ lực lượng quân sự nào ở đó” – đại diện Bộ Quốc phòng Đức khẳng định và cho biết có thể “thẳng thắn bác bỏ những tuyên bố về sự hiện diện của quân đội nước này tại Syria”.
Trước đó kênh truyền hình Al-Mayadin trích dẫn nguồn tin riêng cho hay hàng chục lính đặc nhiệm Đức đã tiến vào lãnh thổ Syria, gia nhập lực lượng của Pháp và Mỹ tại đây để tham gia vào các hoạt động chiến đấu (chống lại quân khủng bố) ở ngoại ô thành phố Manbij thuộc tỉnh Aleppo.
Muộn sau đó Hãng SANA dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Syria khẳng định, cơ quan này lên án sự hiện diện của các lực lượng đặc nhiệm Pháp và Đức tại lãnh thổ phía Bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiêu diệt 10 tay súng của IS ở miền Bắc Syria
Hãng Reuters dẫn một số nguồn tin quân sự cho hay, các máy bay của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu và lực lượng pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt được 10 tay súng cực đoan của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo IS” ở miền Bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiêu diệt 10 tay súng của IS ở miền Bắc Syria |
Theo nguồn tin trên, liên minh quốc tế đã thực hiện không kích vào 17 mục tiêu, trong đó có căn cứ của một nhóm khủng bố được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào lãnh thổ Ankara.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ tại liên minh chống khủng bố Brett McGurk trước đó tuyên bố, chiến dịch chống khủng bố của liên minh này đang đạt được những thành tựu lớn: quân IS đã mất khoảng 50% lãnh thổ ở Iraq và 20% lãnh thổ tại Syria, chiều dài khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ do chúng kiểm soát giảm xuống còn 19 km.
Quan chức Mỹ xác nhận thành công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực này vì từ đây quân nổi dậy đã thâm nhập vào lãnh thổ Ankara và sau đó là tới Châu Âu để tiến hành các vụ tấn công khủng bố.
Hiện chưa có mặt trận chung chống IS. Các lực lượng tham gia cuộc chiến chống khủng bố gồm có quân đội chính phủ Syria và Iraq, liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu (cho đến nay chỉ giới hạn ở hoạt động không kích), người Kurd Syria cùng lực lượng dân quân người Shiite ở Iraq và Lebanon.
Riyadh yêu cầu LHQ cải thiện tình hình cứu trợ nhân đạo ở Syria
Website trực tuyến của kênh truyền hình vệ tinh chung các quốc gia Ả Rập alarabiya.net hôm thứ Tư (ngày 15/6) đưa tin, Ả Rập Xê Út thay mặt Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cùng 59 quốc gia khác đã đệ trình một công điện khẩn lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon với nội dung: yêu cầu cải thiện tình hình cứu trợ nhân đạo tại Syria.
Trong công hàm gửi ông Ban Ki-moon Ả Rập Xê Út kêu gọi “các hành động nhằm ngăn chặn những vi phạm của chính phủ Syria lâm thời đối với người dân tại khu vực bị bao vây trong nước”. Tài liệu nói về “mối quan tâm sâu sắc tới sự suy giảm liên tục của tình hình cứu trợ nhân đạo ở Syria và sự nguy hiểm của tình huống khẩn cấp này”, đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải cung cấp hàng viện trợ nhân đạo và trợ giúp y tế đầy đủ cho người dân gặp khó khăn ở Syria mà không gây bất cứ trở ngại nào cho họ”.
Công hàm của Riyadh còn chỉ ra “tầm quan trọng của những thành tựu trong hoạt động cứu trợ nhân đạo nhằm tạo các điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi chính trị ở Syria và khôi phục đàm phán tại Geneva”. Ả Rập Xê Út đã đặt trách nhiệm này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Công hàm tương tự cũng được Riyadh gửi lên người đứng đầu của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Riyadh yêu cầu LHQ cải thiện tình hình cứu trợ nhân đạo |
Iran tăng cường quan hệ với Syria
Cố vấn của Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, ông Velayati cho biết Iran là quốc gia khu vực duy nhất trong khu vực ủng hộ chính quyền Syria từ năm 2011 khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ ra tại nước này, đồng thời nhấn mạnh giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố mới đây nhằm phân chia Syria là không thể chấp nhận được.
Trong cuộc phỏng vấn Thời báo Tehran mới đây, ông Velayati nêu rõ Iran luôn hỗ trợ Syria vì Iran đã có quan hệ rất chặt chẽ và gần gũi với Syria kể từ khi khởi đầu của cuộc Cách mạng Hồi giáo (1979).
Trong cuộc chiến tranh với Iraq, Chính phủ Syria đã giúp Iran rất nhiều, cắt đường ống dẫn dầu chuyên chở một triệu thùng dầu của Iraq tới Syria và Địa Trung Hải theo lệnh của Tổng thống Syria Hafez Assad trước đây và đã gây áp lực lớn về kinh tế đối với Iraq.
Theo ông Velayati, về mặt quốc tế, Syria đã luôn ủng hộ Iran. Đặc biệt thông qua Syria, Iran có thể hỗ trợ cho phong trào Hezbollah và Palestine - hai nhân tố quan trọng của cuộc chiến chống lại Israel.
Không giống như cam kết của Tehran với nước láng giềng Syria, các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã thể hiện thái độ thù địch công khai nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vì ông Assad không tham gia những hành động chống Iran trước đây của 3 nước này.
Theo một số nhà phân tích khu vực, điều kiện duy nhất hiện nay để Saudi Arabia sẵn sàng xóa bỏ thù địch đối với ông Assad là Syria phải cắt đứt quan hệ hữu nghị với Iran, nhưng điều này chắc chắn không xảy ra.