Tình hình Syria mới nhất ngày 14/6
Quân đội Syria giành quyền kiểm soát một căn cứ không quân ở tỉnh Homs (Ảnh minh họa) |
Quân đội Syria giành quyền kiểm soát một căn cứ không quân ở tỉnh Homs
Tờ Bình luận quân sự của Nga đưa tin, quân đội chính phủ Syria dưới sự hỗ trợ của lực lượng dân quân và Không quân Nga đã giành được quyền kiểm soát căn cứ không quân T-3 ở tỉnh Homs.
Theo báo này, Lữ đoàn 60 thuộc Sư đoàn thiết giáp 11 của quân đội Syria đã chiếm được T-3 và tiêu diệt 20 tay súng cực đoan. Căn cứ không quân này mang ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó là điểm trung chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng, nối liền với thành phố Deir ez-Zor. Trong quá trình giao tranh Không quân Nga cũng phá hủy 3 xe tăng và hai xe BMP của bọn khủng bố.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Không quân nước này đã phá hủy 4 cơ sở khai thác, chế biến dầu thuộc quyền kiểm soát của IS. Những cơ sở này nằm ở tỉnh Homs và Raqqa của Syria.
Nga và Mỹ thảo luận khả năng hợp tác trong các vấn đề về Syria
RIA Novosti dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho hay, hôm thứ Hai (ngày 13/6) Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry để thảo luận về tình hình Syria bao gồm cả khả năng hợp tác giữa 2 nước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
“Hai bên bàn bạc về tình hình tại Syria bao gồm cả khả năng hợp tác trong cuộc chiến chống chống lại các tổ chức khủng bố hoạt động trên lãnh thổ nước này” – trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.
Nga và Mỹ thảo luận khả năng hợp tác trong các vấn đề về Syria |
Ông Lavrov đồng thời một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải phân định ranh giới rõ ràng giữa lực lượng chống chính phủ do Mỹ ủng hộ với nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra có quan hệ với tổ chức Al-Qaeda và hiện đang dẫn đầu các hoạt động tấn công (nhằm vào chính phủ, người Kurd và lực lượng dân quân Syria) dưới vỏ bọc “phe đối lập ôn hòa”.
“Hai bên cũng chỉ rõ không cho phép hành động tiếp tế vũ khí và lực lượng cho bọn khủng bố qua khu vực biên giới mở với Thổ Nhĩ Kỳ” – thông báo nhấn mạnh.
Cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng được tiến hành theo đề xuất từ phía Washington.
Mỹ sử dụng trực thăng Apache tấn công IS
Hãng tin Tass ngày 14/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, quân đội Mỹ tại Iraq lần đầu tiên đã sử dụng trực thăng Apache (AH-64D) tấn công nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Trong 24 giờ qua, trực thăng Apache đã được sử dụng. Đây là lần đầu tiên chúng được sử dụng (trong chiến dịch)", ông Carter phát biểu với các phóng viên khi tới Brussels tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng xác nhận một số trực thăng Apache đã được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên chỉ một trực thăng làm nhiệm vụ không kích. Mục tiêu nằm trong khu vực thành phố Mosul do IS kiểm soát đã bị phá hủy.
Phối hợp giữa quân đội Nga và Mỹ trong các vấn đề về Syria có tiến triển
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Gennady Gatilov xác nhận có một số tiến triển nhất định trong quá trình phối hợp giữa quân đội Nga và Mỹ tại Syria.
“Có một cơ chế hợp tác song phương giữa Nga và Mỹ. Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ hợp tác và tham vấn khá dày đặc về mặt quân sự (ở Syria)” – ông Galitov khẳng định.
Cảnh hoang tàn tại Syria. |
“Quân đội Mỹ và lực lượng của chúng ta hiện đang tiến hành trao đổi thông tin, một trung tâm phối hợp chung cũng được thành lập tại Geneva. Hai bên còn có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc ở Trung tâm hòa giải của chúng ta ở Hmeymim và Trung tâm hòa giải của Mỹ ở Amman, Jordan. Nghĩa là chúng ta và Mỹ có sự phối hợp khá dày đặc trong vấn đề về Syria, bao gồm cả những nỗ lực chung nhằm xác định vị trí hoạt động của các nhóm khủng bố” – Thứ trưởng Nga bổ sung và đưa ra kết luận: “Vì vậy, quân đội Nga và Mỹ đã đạt những tiến bộ nhất định trong việc phối hợp ở Syria”.
*Cũng trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, Thứ trưởng Gatilov cho rằng việc đưa ra một thời hạn cứng nhắc để tạo ra Hiến pháp mới và thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria đã đem tới kết quả ngược lại.
“Đáp án khá đầy đủ đã có trong Nghị quyết 254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tài liệu này thực sự đưa ra thời hạn chỉ định để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra” – đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhận định.
“Nhưng tôi không cho rằng, chúng ta cần quá chú trọng tới những thời hạn này. Vì chúng còn liên quan tới tiến trình đàm phán (tại Geneva) và phái đoàn chính thức của phe đối lập Syria tham gia đàm phán” – ông Galitov tiếp tục và nhận định, không nên coi quá cứng nhắc trong vấn đề thời hạn vì thực tế hiện nay các cuộc đàm phán giữa các bên tham gia xung đột Syria chưa được nối lại.
“Vì vậy việc đếm ngược thời gian tới ngày 1/8 (thời hạn chót thành lập chính phủ chuyển đổi Syria) là sai lầm, vì cho tới nay các cuộc đàm phán do một số nguyên nhân chưa được tiếp tục. Cũng do vấn đề này không thể thực hiện, chúng ta cần phải điều chỉnh lại phương pháp và xem xét tình hình một cách thực tế hơn. Việc đóng băng những tiến trình trên trong thời hạn nhất định đã gây phản tác dụng” – nhà ngoại giao Nga nêu quan điểm.