Tình hình Syria 17/8: Đức không "mặn mà" tái thiết Syria, Mỹ xây căn cứ mới
Quân đội Mỹ |
Mỹ xây dựng căn cứ không quân mới ở Đông Bắc Syria
Báo al-Watan đưa tin, các lực lượng Mỹ đã bắt đầu xây dựng một căn cứ không quân mới ở vùng al-Shadadi, tỉnh Hasaka, phía Đông Bắc Syria. Mỹ đã điều động 150 xe tải chở các loại vũ khí và thiết bị quân sự từ miền Bắc Iraq tới Deir Ezzor và al-Shadadi. Ngoài ra, một số đoàn xe quân sự Mỹ cũng đã được điều tới những khu vực do Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chiếm đóng trong tuần qua.
Trước đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) tiết lộ rằng liên quân do Mỹ đứng đầu đã điều động hơn 250 xe tải chở nhiều vũ khí và đạn dược tới các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của SDF ở bờ Đông sông Euphrates. Theo SOHR, đây là một phần trong kế hoạch phát triển và trang bị cho các căn cứ của liên quân ở phía Đông và Đông Bắc Syria.
SOHR cho rằng quân đội Mỹ đã bắt đầu phát triển và trang bị thêm cho 3 căn cứ của nước này ở các tỉnh Hasaka và Aleppo, đồng thời đang xây dựng một căn cứ lớn mới ở khu vực do SDF kiểm soát.
Iraq không kích trung tâm chỉ huy của IS ở Syria
Truyền thông Trung Đông dẫn thông báo của quân đội Iraq cho biết lực lượng này đã mở chiến dịch không kích nhằm các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ Syria. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các lực lượng chính phủ Syria cũng đang nỗ lực tiêu diệt tàn quân của nhóm khủng bố này.
Các máy bay chiến đấu của quân đội Iraq đã phá hủy một “phòng điều hành hoạt động” của IS ở Syria, đồng thời tiêu diệt một số tay súng thuộc tổ chức này. Thông báo của quân đội Iraq nêu rõ, theo thông tin tình báo, những phần tử khủng bố nói trên đang lên kế hoạch tiến hành các vụ đánh bom liều chết nhằm vào dân thường vô tội ở Iraq trong vài ngày tới.
Theo một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, có khoảng 30.000 thành viên IS đang hoạt động ở Iraq và Syria. Các lực lượng quân đội Syria hiện đang tiếp tục tiến hành chiến dịch tấn công nhằm tiêu diệt tàn quân của IS.
Đức không mặn mà tái thiết Syria |
Đức không mặn mà tái thiết Syria
Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố, các nỗ lực tái thiết Syria hiện không còn là vấn đề được Chính phủ Đức ưu tiên do cuộc xung đột kéo dài nhiều năm tại quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp diễn và các điều kiện sống an toàn tại đây vẫn chưa được thiết lập.
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên về sự tham gia của Berlin trong việc tài trợ tái thiết Syria, ông Steffen Seibert cho biết Berlin luôn muốn chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu tại Syria cũng như tạo cảm giác an toàn cho những người dân trước đó phải rời bỏ nhà cửa chạy trốn cuộc xung đột có thể quay trở về ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, mọi thứ hiện đang vượt ngoài tầm kiểm soát và đây cũng là lý do tại sao việc tái thiết Syria không còn là vấn đề ưu tiên của Chính phủ Đức. Bên cạnh đó, người phát ngôn Chính phủ Đức cũng nhấn mạnh thời gian vừa qua, Berlin đã luôn tích cực hỗ trợ tiến trình tìm kiếm một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột tại Syria cũng như nỗ lực tạo điều kiện sống tốt cho người dân quốc gia Trung Đông này.
Trước đó, Tổng thống Syria Bashar Assad nói rằng sẽ cần tới 400 tỷ USD để tái thiết Syria sau cuộc xung đột kéo dài từ năm 2011 đến nay. Nga hiện là nước tích cực ủng hộ các nỗ lực tái thiết và nhân đạo của chính quyền Damascus, và cũng đã lên tiếng kêu gọi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) tham gia đóng góp cho những nỗ lực này. Tuy nhiên hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Syria nói ông sẽ không chấp nhận sự trợ giúp từ các nước phương Tây, sau khi có một số nguồn tin cho hay các nước phương Tây sẽ không tài trợ cho những nỗ lực này nếu ông Assad tiếp tục nắm quyền.
Cảnh hoang tàn tại Syria |
Các lệnh cấm vận của phương Tây cản trợ sự phục hồi của Syria
Bộ trưởng Chính quyền địa phương và Môi trường Syria Hussein Makhlouf cho rằng các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Syria đang cản trở sự phục hồi của nước này.
Phát biểu trong một cuộc họp của trung tâm điều phối liên ngành về sự hồi hương của người tị nạn Syria, ông Makhlouf cho rằng các lệnh cấm vận làm hạn chế sự phát triển kinh tế và cản trợ sự phục hồi nhanh chóng của hệ thống cơ sở hạ tầng Syria. Theo ông Makhlouf, dỡ bỏ các lệnh cấm vận trên sẽ có tác động tích cực tới sự hồi hương của những người dân Syria.
Bên cạnh đó, việc phân phối nguồn lực tài chính do Liên hợp quốc phân bổ, chủ yếu cho việc xây dựng các trường học, bệnh viện sẽ trở thành nguồn hi vọng cho người tị nạn cũng như là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai.
Kể từ năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các quan chức và thực thể Syria do “việc đàn áp bạo lực đối với người dân Syria”. Lệnh cấm vận này bao gồm cấm xuất khẩu dầu mỏ, hạn chế đầu tư, đóng băng các tài sản, cấm bán thiết bị và công nghệ cho Syria vốn có thể được sử dụng cho việc đàn áp trong nước.