Tình hình Syria 15/11: Hợp tác Trump – Putin đặt “dấu chấm hết” cho cuộc xung đột Syria?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump |
Chuyên gia Pháp: ông Trump sẽ hợp tác với Nga và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột Syria
Trong một bài trả lời phỏng vấn với tờ Sputnik, Giám đốc Trung tâm quan hệ quốc tế và chính trị Pháp - ông Fabien Bossar nhận định, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ ủng hộ quan điểm của Nga liên quan đến cuộc xung đột Syria.
“Tôi cho rằng ông Donald Trump sẽ gần gũi với Nga trong vấn đề giải quyết xung đột Syria. Cuộc xung đột theo tôi sẽ chấm dứt và tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra trong thực tế khi các nguồn tài trợ cho những nhóm Hồi giáo cực đoan trên lãnh thổ Syria bị cắt đứt” – ông Bossar nói.
Chuyên gia Pháp cũng lưu ý rằng dưới thời Tổng thống Barack Obama nước Mỹ thực sự đã không nỗ lực để đạt thỏa thuận với Nga về vấn đề Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì không ngừng lường gạt các đồng nghiệp Nga rằng điều này đã cản trở một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa hai bên.
Trong khi đó theo ông Bossar, đội ngũ của tỷ phú Trump là "những người có khả năng bắt đầu sự hợp tác hiệu quả với Nga”. Đặc biệt, những nhân vật thân cận với ông này như Tướng về hưu Michael Flynn và Thượng nghị sỹ bang Alabama Jeff Seshns đều có “mong muốn chung – đó là thực sự đấu tranh chống lại Hồi giáo cực đoan”.
Nhà phân tích kết luận, “cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan không chỉ vì lợi ích của Nga hay Hoa Kỳ mà còn vì lợi ích của cả Châu Âu và lực lượng Hồi giáo ôn hòa”, tuy vậy “Anh, Pháp và thậm chí cả Đức vẫn giữ quan điểm phi lý trước bất kỳ đề xuất nào liên quan tới vấn đề Syria”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov: Nga không dự định thuyết phục Lầu Năm Góc hợp tác về vấn đề Syria
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS hôm thứ Hai (14/11), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, lời kêu gọi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump của Lầu Năm Góc về việc không hợp tác với LB Nga trong vấn đề Syria là bằng chứng cho thấy sự mâu thuẫn (trong đường lối) của Washington.
“Đây vốn là quan điểm mang tính lâu dài của chính quyền ông Barack Obama mà chúng tôi đã nắm rõ. Quan điểm này tự bản thân nó đã có mâu thuẫn” – nhà lãnh đạo BNG Nga nhận định.
“Một mặt họ tuyên bố, việc hợp tác với Nga là không phù hợp, đồng thời họ vẫn tiếp tục liên hệ với chúng tôi để ngăn ngừa sự cố trên không phận Syria” – ông Ryabkov tiếp tục.
“Tôi muốn đặt một câu hỏi cho các nhà chức trách Bộ Quốc phòng Mỹ: họ hiểu thế nào về từ hợp tác? Nếu nói về việc khôi phục hoàn toàn quan hệ hợp tác về mặt quân sự đã bị chính quyền ông Obama phá vỡ trong một thời gian dài, thì rõ ràng với chính phủ hiện thời vấn đề này sẽ không có bất kỳ cách giải quyết nào cả” – Thứ trưởng Nga nhấn mạnh.
Ngoài ra ông Ryabkov cũng xác nhận, Moscow không có ý định thuyết phục Lầu Năm Góc hợp tác về vấn đề Syria, vì Washington không quan tâm đến việc đối thoại nhiều như Nga.
Ảnh mang tính chất minh họa. |
Không quân Syria tấn công các vị trí của phiến quân khủng bố ở phía Tây Aleppo
RIA Novosti dẫn nguồn tin từ lực lượng dân quân địa phương cho biết, hôm thứ Hai (ngày 14/11) không quân Syria đã thực hiện ném bom vào các cứ điểm chỉ huy và công sự của nhóm khủng bố Jaish al-Fath (tên cũ là Dzhebhat al-Nusra) ở ngoại ô phía Tây Aleppo.
“Sáng nay, lực lượng không quân Syria đã tấn công một số khu vực ở ngoại ô phía Tây Aleppo, nơi có các đồn lũy của nhóm khủng bố Jaish al-Fatah. Kết quả khiến quân nổi dậy thiệt hại đáng kể và bị mất một phần thiết bị quân sự” – nguồn tin trên tiết lộ.
Trước đó kênh truyền hình Al-Mayadin đưa tin, các phần tử cực đoan hiện đang chiếm giữ khu vực phía Đông thành phố vào hôm 14/11 đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội chính phủ Syria và từ chối rời khỏi Aleppo trước khi quân chính phủ sử dụng vũ khí có độ chính xác cao tấn công vào khu vực này. Tối hậu thư được chuyển tới quân nổi dậy bằng hình thức rải truyền đơn.
Các tay súng từ chối rời khỏi khu vực phía Đông Aleppo sau khi thực hiện một vụ tấn công nhằm vào quân chính phủ ở gần sân bay Aleppo. Theo đó trong vụ tấn công này quân khủng bố đã sử dụng đạn chứa khí độc khiến gần 30 binh sĩ Syria bị thương.
Cuộc xung đột vũ trang bắt đầu ở Syria từ tháng 3/2011. Quân đội chính phủ đối đầu với những chiến binh thuộc các nhóm vũ trang khác nhau. Theo số liệu tổng hợp của Liên Hợp Quốc khoảng 300.000 dân thường Syria đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.