“Tình hảo hữu” Trump – Putin đang tan biến?
Các quan chức Mỹ cho biết, chưa đầy 5 tuần sau khi ông Trump nhậm chức, khả năng mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ khó có thể trở nên khẳng khít trong thời gian tới.
Nguyên nhân là bởi các cố vấn về các chính sách đối ngoại của ông Trump có lập trường cứng rắn hơn và các quan chức trong nội các vẫn có tư tưởng thù địch Nga.
Bản thân Tổng thống Mỹ cũng thay đổi quan điểm của mình sau khi cố vấn an ninh Michael Flynn, người ủng hộ củng cố quan hệ với Moscow, từ chức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Bên cạnh đó, ông Trump cũng phải chịu áp lực rất lớn từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa khi họ không còn mặn mà với những phát ngôn khen ngợi ông Putin. Các đồng minh châu Âu cũng lo ngại rằng ông Trump sẽ nới lỏng cấm vận kinh tế đối với Nga được áp đặt sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga cũng như tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine.
Một vấn đề nữa đó là rất nhiều người trong nội các của ông Trump, cụ thể là Tổng chưởng lý Mỹ Jeff Sessions, cố vấn và là con rể của Tổng thống Mỹ, ông Jared Kushner, đã bị cáo buộc đã liên lạc với các quan chức Nga trong cuộc tranh cử Tổng thống. Việc ông Sessions từng có cuộc trao đổi với đại sứ Nga tại Mỹ đã một lần nữa khiến nhiều người kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết họ không hề liên lạc bí mật với Nga, và phía Moscow cũng phủ nhận những cáo buộc trên.
Mặc dù ông Trump vẫn chưa công bố chính sách đối ngoại với Nga, phần lớn những dấu hiệu đều cho thấy rằng quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ không có nhiều thay đổi, chủ yếu là bởi căng thẳng giữa hai bên trong các vấn đề Syria và Ukraine.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố trước các đồng minh NATO rằng trong tương lai gần Mỹ và Nga sẽ không hợp tác quân sự.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng lên án Nga khi nước này bác bỏ nghị quyết của Liên Hợp Quốc để bảo vệ chính phủ Syria trước các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời bà khẳng định Mỹ sẽ không công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.
Việc ông Trump công khai xây dựng quan hệ với Nga và tập trung vào các chiến dịch chống khủng bố đã khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại rằng ông sẽ vứt bỏ một số lợi ích của Mỹ để đổi lấy sự hợp tác về quân sự và tình báo nhằm đối phó với các tổ chức khủng bố như IS. Từ đó đến nay, phát ngôn về Nga của ông Trump đã thay đổi phần nào.
Tổng thống Donald Trump cùng nội các đang chịu sức ép từ nhiều phía. |
Vào giữa tháng 2, Tổng thống Mỹ từng phát biểu trong một cuộc họp báo rằng “Tôi rất muốn có một mối quan hệ thân thiết với Nga”, nhưng nói thêm rằng “cũng rất có thể tôi sẽ không thể tìm được tiếng nói chung với Putin”.
Trong những ngày gần đây, tình hình tại Ukraine và Syria đã xảy ra những biến động rõ rệt. Tại miền Đông Ukraine, quân nổi dậy thân Nga được cho là đã nổ súng tấn công quân chính phủ. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cáo buộc máy bay Nga và Syria đã tấn công một lực lượng vũ trang được Mỹ hậu thuẫn, song Nga đã lên tiếng phủ nhận.
Về phần mình, Nga cho biết họ đang kiên nhân chờ đợi “những động thái nhất định” từ phía chính quyền Trump để có thể xác định tương lai của mối quan hệ ngoại giao hai nước.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa và từng là đối thủ của ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 đã có những phát biểu cảnh báo rằng: “Trước thời ông Trump, chúng ta đã có hai đời Tổng thống tin rằng họ có thể xây dựng một mối quan hệ bền vững với Putin. Cả hai đều đã thất bại hoàn toàn”.