Tin thế giới ngày qua: Nga – NATO “căng như dây đàn”
Bà Clinton và ông Trump đại thắng trong ngày Siêu thứ Ba |
Bầu cử Tổng thống Mỹ
*Ngày 8/6 (7/6 giờ Mỹ), phương tiện truyền thông tại Mỹ cho biết cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ diễn ra tại tiểu bang Nam Dakota.
Theo kết quả kiểm phiếu của Ủy ban Bầu cử đảng Dân chủ tại Nam Dakota, ứng cử viên Hillary Clinton đã giành được 51,1% số phiếu ủng hộ, trong khi đối thủ của bà là Thượng nghị sỹ bang Vermont Bernie Sanders giành được 48,9% số phiếu.
Bà Clinton đã chính thức tuyên bố chiến thắng, trở thành "nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên" của nước Mỹ, dù Ủy ban Bầu cử Quốc gia đảng Dân chủ chưa công bố ai sẽ là ứng cử viên của đảng này.
*Chiến dịch bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa chính thức khép lại với tấm vé duy nhất đại diện cho đảng tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới thuộc về tỷ phú Donald Trump.
Trong thế “một mình một ngựa”, ứng cử viên Trump đã giành chiến thắng tại tất cả 5 bang gồm New Mexico, Nam Dakota, Montana, New Jersey và California trong ngày bầu cử “Siêu Thứ ba cuối cùng”.
Với những chiến thắng này, tỷ phú Trump đã có thêm 248 phiếu đại biểu và nâng tổng số phiếu đại biểu lên thành 1.481 phiếu, vượt xa mức tối thiểu 1.237 phiếu theo luật định để chắc chắn được Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa bầu làm ứng cử viên tổng thống.
Tình hình Syria
*Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, Dưới sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội chính phủ Syria đã tiến vào đến khu vực cách 65 km về phía tây thành phố Raqqa, “thủ đô thánh chiến” của IS tại Syria kể từ năm 2014, sau cuộc đụng độ với nhóm phần tử cực đoan hồi cuối tuần qua.
*Ngày 7/6/2016, IS bất ngờ tiến hành cuộc phản công trên vùng nông thôn phía tây tỉnh Al-Raqqa nhằm chiếm lại ngôi làng nhỏ Khirbat Zeidan từ Quân đội Syria.
Trang truyền thông Nhà nước Hồi giáo "Al-Amaq" cho biết lực lượng IS đã đánh chiếm một trạm kiểm soát gần Khirbat Zeidan, sát hại 20 binh sĩ quân đội Syriatrong trận chiến này.
Tình hình Biển Đông
*Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực thiết kế và xây dựng một cơ sở ngầm có người ở dưới đáy Biển Đông nhằm tìm kiếm khoáng sản và cũng có thể phục vụ cho mục đích quân sự ở những vùng biển đang tranh chấp.
Một hòn đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. |
Cơ sở này có thể sẽ dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 3.000 mét, theo một bản thuyết trình của Bộ Khoa học Trung Quốc gần đây mà hãng tin Bloomberg tiếp cận được. Dự án này cũng đã được đề cập đến trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc được công bố tháng Ba vừa qua. Trong bảng 100 dự án khoa học và công nghệ cần được ưu tiên, dự án này xếp ở vị trí thứ hai.
*Reuters ngày 8/6 đưa tin, Trung Quốc cho biết, cánh cửa đối thoại luôn rộng mở cho các cuộc đàm phán song phương với Philippines về Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Trung Quốc đã có một số lần đề xuất với Philippines về việc thành lập một cơ chế Trung Quốc-Philippines để tham vấn thường xuyên về vấn đề hàng hải. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa hề có bất kỳ phản hồi nào từ phía Philippines”.
Việc Trung Quốc bất ngờ mềm mỏng, bày tỏ thiện chí với Philippines thời gian gần đây đã được các chuyên gia cảnh báo đây có thể là “chiêu trò” nhằm đưa Tân Tổng thống Philippines vào “bẫy đàm phán song phương” trước khi PCA ra phán quyết.
*Giới chức quân sự Mỹ ngày 7/6 cho biết một máy bay tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã ngăn chặn “một cách nguy hiểm” máy bay do thám RC-135 của Không quân Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ trên không phận quốc tế thuộc biển Hoa Đông.
Theo CNN máy bay tiêm kích của Trung Quốc không tiếp cận gần tới mức 30 mét (khoảng 100 feet), song chiếc J-10 “bay với tốc độ rất cao khi bay gần” chiếc máy bay do thám RC-135. Với tốc độ bay nhanh như vậy ở cùng một độ cao với máy bay Mỹ, hành động ngăn chặn của máy bay Trung Quốc bị coi là không an toàn.
Căng thẳng Nga – NATO
*Hãng tin Reuters ngày 7/6 cho biết Nga đang tăng cường các lực lượng quân sự dọc biên giới phía tây của nước này. Động thái diễn ra vào thời điểm khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn và tăng cường triển khai quân sự ở khu vực Đông Âu.
NATO tập trận rầm rộ tại Ba Lan. |
*Ngày 7/6, Ba Lan bắt đầu cuộc tập trận quân sự lớn nhất với các đối tác khác của NATO, trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ở tình trạng xấu nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Theo đó, có hơn 31.000 binh lính từ 24 quốc gia thành viên NATO và “đối tác vì hòa bình” thời Xô viết cũ, bao gồm Ukraine, sẽ tham gia cuộc tập trận Anaconda kéo dài hai tuần vốn được tổ chức thường niên (năm 2 lần) tại Ba Lan kể từ năm 2006 đến nay.
Guardian cho biết cuộc tập trận dưới sự chỉ huy của tướng Marek Tomaszycki có sự tham gia của 14.000 lính Mỹ, 12.000 lính Ba Lan, 800 lính Anh và phần còn lại đến từ các quốc gia khác không thuộc khối NATO.
*Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini ngày 7/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Nga sẽ không bao giờ tấn công thành viên nào của NATO, nhưng cho rằng việc NATO mở rộng về phía đông vẫn là một mối đe dọa.
"Tôi tin rằng mọi chính trị gia trung thực và nghiêm túc đều biết rõ rằng Nga không bao giờ tấn công một quốc gia thành viên nào của NATO, chúng tôi không có kế hoạch như vậy" - ông Lavrov nói. "Tôi nghĩ rằng NATO biết chắc điều này nhưng họ vẫn lợi dụng để triển khai thêm lực lượng như một sự bảo đảm rằng Mỹ sẽ theo dõi tất cả lãnh thổ này".