Tin thế giới cuối ngày: Trung Quốc "miễn cưỡng" lãnh đạo toàn cầu nếu cần
Trung Quốc
* Tờ Nước Nga Ngày nay (RT) dẫn lời ông Zhang Jun, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, Trung Quốc không muốn làm lãnh đạo thế giới nhưng có thể buộc phải đóng vai trò đó nếu các nước khác không đảm nhiệm.
Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng mô tả Trung Quốc là lãnh đạo của một thế giới toàn cầu hóa, nơi chỉ có hợp tác quốc tế mới giải quyết được các vấn đề lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Trung Quốc – Mỹ
* Reuters đưa tin, phát biểu trong cuộc họp báo thường xuyên tại Bắc Kinh hôm 23/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi kêu gọi chính quyền mới của Mỹ hiểu đầy đủ về sự nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan và tiếp tục tôn trọng chính sách Một Trung Quốc”.
Bà Oánh gọi chính sách “Một Trung Quốc” là "nền tảng chính trị" của các mối quan hệ trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo bà này, bất kỳ chính phủ Mỹ nào cũng phải có nghĩa vụ giữ đúng những cam kết đó của cả hai đảng chính trị của Mỹ và "nghiêm chỉnh" duy trì quan hệ phi ngoại giao với Đài Loan.
Phát ngôn trên của bà Hoa Xuân Oánh được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump cũng đã khiến Bắc Kinh tức giận khi nhận cuộc gọi chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ông còn đặt câu hỏi về việc Washington có nên tiếp tục công nhận chính sách “Một Trung Quốc hay không.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump |
* Reuters đưa tin, hôm 23/1, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ ngăn Trung Quốc chiếm lãnh thổ tại các vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Trong khi đó, theo Reuters, các trợ lý của ông Trump cho biết, Mỹ sẽ tăng cường lực lượng hải quân ở khu vực châu Á để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải cẩn trọng khi đưa ra các phát ngôn về Biển Đông.
* CNN đưa tin, hôm 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đúng như cam kết của ông trong quá trình tranh cử.
Việc ông ký sắc lệnh rút khỏi TPP đã gửi tín hiệu đến các nước trên thế giới rằng, tất cả những tuyên bố của ông về thương mại trong chiến dịch tranh cử sẽ được biến thành hành động.
TPP được coi là một trong những trọng tâm hay điểm nhấn quan trọng của cựu Tổng thống Barack Obama trong chính sách “xoay trục châu Á”.
Bên cạnh việc rút khỏi và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại tự do, ông Trump cũng có nhiều hành động khác để thúc đẩy ngành sản xuất trong nước.
Mỹ
Ông Rex Tillerson |
* Reuters đưa tin, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ/phản đối ông Tillerson là 11/10. Cụ thể là tất cả các thành viên đảng Cộng hòa đều ủng hộ ông Tillerson trong khi tất cả các thành viên đảng Dân chủ đều phản đối.
Cho đến trước khi Ủy ban này bỏ phiếu vào hôm qua (24/1), nhiều người vẫn nghi ngờ về khả năng được phê chuẩn của ông Tillerson. Tuy nhiên, vào phút chót, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một thành viên Ủy ban từng chỉ trích ông Tillerson đã thay đổi ý định và ủng hộ ứng viên Ngoại trưởng này.
* Cùng ngày ngày 23/1, Thượng viện Mỹ đã nhất trí phê chuẩn quyết định của Tổng thống Donald Trump đề cử Hạ nghị sỹ Mike Pompeo vào vị trí Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Trên cương vị Giám đốc CIA, ông Pompeo sẽ chịu trách nhiệm quản lý một mạng lưới điệp viên trải khắp thế giới vào thời điểm có nhiều căng thẳng an ninh leo thang, trong đó có các hành động hung hăng của Nga, tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và mối đe dọa từ nhóm khủng bố IS.
Mỹ - Nga
* Theo Los Angeles Times, hôm 23/1, Nhà Trắng cho biết tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng hợp tác quân sựvới Nga để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là một sự thay đổi chính sách lớn của chính phủ Mỹ.
Tuy vậy, việc hợp tác giữa quân đội Nga – Mỹ đang bị giới hạn nghiêm trọng bởi điều khoản của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối năm 2014 nhằm đáp lại việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.