Tin thế giới 4/11: Biển Đông ‘nóng’ tại thượng đỉnh Đông Á, Mỹ, Trung lên tiếng
Biển Đông
*Philippines đã có phản ứng bất ngờ sau khi một tàu chở dầu bị tàu chiến Trung Quốc ngăn lại gần bãi đá Scarborough trên Biển Đông. Cụ thể, tàu chở dầu Green Aura do thủy thủ đoàn người Philippines điều khiển đã quyết đi vào khu vực biển quanh bãi đá mà tàu chiến Trung Quốc đang kiểm soát và ngay lập tức bị tàu Trung Quốc lại gần, cản đường và bám đuôi, một hành động được cho là vi phạm các quy định hàng hải. Dù vậy, Philippines vẫn tuyên bố “sẽ xác minh sự thật và đưa ra khuyến nghị thích hợp”.
Tàu của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông. |
*Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng đàm phán và ký kết Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN. Đây được coi là hành động của Trung Quốc nhằm gạt Mỹ ra khỏi các chính sách thực thi trên Biển Đông. Mặc dù hai bên đã từng đàm phán để tìm cách đạt được khung COC, song Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bằng bản đồ “đường lưỡi bò” và xây dựng trái phép trên vùng biển này.
*Đáp lại, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien chỉ trích Trung Quốc “dùng hành động hăm dọa để tìm cách ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác nguồn tài nguyên xa bờ, ngăn chặn việc tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá đến”. Ông O’Brien cũng nhấn mạnh rằng ASEAN “không cần một kỷ nguyên đế quốc mới, nơi một nước lớn lãnh đạo những nước còn lại dựa trên lý thuyết cứ mạnh là đúng”.
Biểu tình Hong Kong
*Ngày 3/11, một chính trị gia ủng hộ dân chủ ở Hong Kong đã bị cắn đứt tai khi chống trả một kẻ tấn công mang dao trong lúc tình hình bạo động ở thành phố tiếp tục diễn ra. Ông này đã được đưa đến bệnh viện cùng một số người bị thương khác, và hung thủ đã bị chính quyền bắt giữ.
Văn phòng Tân Hoa Xã ở Hong Kong bị đập phá. |
*Truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích những người tham gia cuộc biểu tình ở Hong Kong đang “dùng bạo lực bừa bãi”, và giới trẻ của thành phố đang tức giận “vì những vấn đề có hoặc không có thật”. Vụ phá hoại văn phòng hãng tin Tân Hoa Xã tại Hong Kong cũng gây ra sự phẫn nộ đối với truyền thông Trung Quốc và họ kêu gọi các cơ quan hành pháp của Hong Kong hành động ngay lập tức.
Trung Đông
*Theo ghi nhận của Bộ Quốc phòng Nga, một đoàn xe quân sự của Mỹ đã bất ngờ bị tấn công bởi các lực lượng vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ khi đang di chuyển từ miền bắc Syria tới biên giới Iraq. Sau đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Trung ương Mỹ (CENTCOM) cũng xác nhận đã bị tấn công và đoàn xe không gặp bất kỳ tổn thất nào về người. Vào tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút quân khỏi phía bắc Syria, và không lâu sau đó Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào khu vực này.
*Nga được cho là không còn sử dụng tên lửa hành trình Kalibr tại Syria, và hiện nước này vẫn chưa có bình luận nào về thông tin này. Theo ý kiến của một số chuyên gia, tên lửa Kalibr mặc dù có khả năng tấn công hiệu quả nhưng có thể gây hậu quả lớn cho dân thường, và chi phí sử dụng loại vũ khí này cũng rất lớn khi ước tính Nga sẽ phải chi đến 650 triệu USD.
Đoàn xe quân sự Mỹ đã bị tấn công ở Syria. |
*Theo một số nguồn tin, quân đội Nga đang đàm phán thuê lại một căn cứ ở đông bắc Syria nhằm chế ngự dàn tên lửa Mỹ được bố trí tại Trung Đông. Một chuyên gia cho biết, nếu thuê được căn cứ này dài hạn, “các tên lửa mà Mỹ đặt tại Ả Rập Xê-út hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ bị đánh chặn từ xa trước khi có thể tiến lại gần Nga”.
Mỹ
*Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump vẫn chưa kết thúc, khi người cung cấp thông tin mật đã đề nghị gửi báo cáo viết tay trực tiếp cho các thành viên trong đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ. Mặc dù bị cáo buộc đã gây sức ép đối với Tổng thống Ukraine để điều tra đối thủ cạnh tranh trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới, ông Trump đến nay vẫn phủ nhận và khẳng định mình không làm điều gì sai trái.