Tin thế giới 30/11: Hội nghị thượng đỉnh G20 khởi đầu "không mấy thuận lợi"
Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin |
Hội nghị thượng đỉnh G20
*Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tại Argentina ngày 30/11 và 1/12.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ 1 giờ sau khi Tổng thống Trump khẳng định với báo giới rằng cuộc gặp có thể vẫn diễn ra.
*Phản ứng trước động thái trên của phía Hoa Kỳ, phát ngôn viên của nhà lãnh đạo Nga, Dmitry Peskov, cho biết điện Kremlin lấy làm tiếc về quyết định đó của chính quyền Hoa Kỳ.
Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi đang trên đường đến hội nghị và thấy thông báo trên Twitter của ông Trump và thông tin trên truyền thông. Nếu điều đó là thật, chúng tôi sẽ có thêm thời gian cho các cuộc họp hữu ích khác".
*Báo chí Đức đưa tin, sáng sớm 30/11, Thủ tướng Angela Merkel đã tiếp tục bay đến thủ đô Buenos Aires (Argentina) để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sau khi chuyên cơ chở bà tới Argentina đã phải hạ cánh khẩn cấp tại thành phố Cologne vào chiều tối hôm 29/11 do trục trặc kỹ thuật.
Báo Focus cho biết, bà Merkel đã phải nghỉ đêm tại một khách sạn ở Cologne, rồi tới Madrid (Tây Ban Nha). Từ đây, Đoàn đại biểu Đức sẽ tiếp tục bay tới Buenos Aires bằng chuyến bay thông thường. Truyền thông Argentina cho biết, Thủ tướng Đức sẽ lỡ phiên họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày do sự cố tại Cologne.
Đây không phải là lần đầu tiên chuyên cơ chở bà Merkel gặp sự cố kỹ thuật. Hồi tháng 3/2017, Thủ tướng Angela Merkel cũng đã phải hoãn chuyến thăm Ai Cập do chuyên cơ chở bà gặp sự cố về kỹ thuật.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Căng thẳng Nga-Ukraine
*Trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti mới đây, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm phân tích Taihe, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu Trung Á và Đông Âu, ông Cheng Hong-Gang cho rằng không thể có khả năng xảy ra một cuộc "chiến tranh toàn diện" giữa Nga và Ukraine, cả hai bên đang nỗ lực giải quyết căng thẳng hiện tại, và các hành động quân sự sẽ không giúp ích gì cho điều này.
*Theo ông Alexey Rulev, người đứng đầu bộ phận hỗ trợ thông tin Hạm đội Biển Đen Liên bang Nga, tiểu đoàn tên lửa phòng không mới nhất S-400 Triumf hôm thứ Năm (29/11) đã bắt đầu nhận nhiệm vụ trực chiến ở phía bắc Bán đảo Crimea, cách biên giới Ukraine 20 km. Đây là tiểu đoàn tên lửa S400 thứ 4 bắt đầu tham gia trực chiến giữa lúc căng thẳng Nga – Ukraine leo thang trên biển.
*Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn Kinh tế Đức-Ukraine được tổ chức tại Berlin hôm thứ Tư (29/11) vừa rồi, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề cập tới vụ việc Nga bắt giữ các tàu của Hải quân Ukraine tại Biển Đen.
Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi Kiev cần cho thấy "cách tiếp cận khôn ngoan" liên quan tới căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại Eo biển Kerch và chỉ có thể đạt được giải pháp thông qua đối thoại, do một giải pháp quân sự là không khả thi. Ngoài ra, bà Merkel cũng khẳng định, Đức sẽ nỗ lực đảm bảo Ukraine vẫn là quốc gia trung chuyển khí đốt từ Nga.
*Sau khi Nga nổ súng và tạm giữ ba tàu quân sự của Hải quân Ukraine cùng toàn bộ thủy thủ đoàn, căng thẳng ở vùng biển gần bán đảo Crimea lại nóng lên. Khả năng xảy ra giao tranh giữa Mỹ và Nga vẫn gần như là không thể, tuy nhiên trong trường hợp xung đột bùng nổ, Mỹ có một lực lượng hùng hậu ở Đông Âu và Biển Đen có thể sẵn sàng đáp trả.
*Trong bối cảnh ban bố tình trạng thiết quân luật sau vụ Nga bắt 3 tàu hải quân Ukraine, chính quyền Kiev đã ban hành lệnh cấm người nước ngoài đến bán đảo Crimea thông qua đường biên giới trên bộ của nước này. AP dẫn thông tin từ lực lượng biên phòng Ukraine cho hay, bất cứ ai không phải công dân Ukraine đều bị cấm đến bán đảo Crimea thông qua biên giới trên bộ của Ukraine.
Cảnh hoang tàn tại Syria. |
Tình hình Syria
*Truyền hình nhà nước Syria cho biết lực lượng phòng không của nước này đã chặn đứng một số vũ khí tấn công của kẻ thù tại vùng ngoại ô thủ đô Damascus đêm 29/11.
Theo đó, lực lượng phòng không đã chặn đứng một vài vũ khí tấn công trên bầu trời thị trấn Kisweh, miền Nam ngoại ô Damascus. Hiện chưa rõ những vật thể này là máy bay hay rocket và cũng không rõ lực lượng nào đứng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần tấn công các vị trí quân sự tại Syria, trong đó có Kisweh.
*Một vụ không kích bằng tên lửa vừa xảy ra ở thủ đô Damascus vào sáng sớm nay (30/11) và khả năng hệ thống phòng không Syria đã bắn rơi chiến đấu cơ cùng các tên lửa của Israel. Theo đoạn video được Sputnik đăng tải, hệ thống phòng không Syria đã cho phóng hàng loạt tên lửa đánh chặn nhằm tiêu diệt các tên lửa đối phương thực hiện vụ không kích gần thủ đô Damascus.
*Sputniknews đưa tin, ông Sergei Popov, người phát ngôn của Trung tâm Hòa giải Syria thuộc Bộ Quốc phòng Nga, ngày 30/11 cho biết hơn 30.000 dân thường Syria từ vùng giảm leo thang Idlib đã quay về nhà ở những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Syria thông qua một chốt kiểm soát gần thành phố Abu Adh Dhuhur.
Quan chức này nói: "Kể từ khi mở cửa hành lang (nhân đạo) này, hơn 30.000 dân thường đã rời khỏi (vùng giảm leo thang Idlib). Vào ngày 26-28/11, hơn 1.500 người và hơn 60 loại thiết bị cũng rời khỏi (khu vực này)".
Theo ông Popov, quân cảnh Nga đảm bảo với sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh Syria đã đảm bảo sự an toàn cho người dân đi qua chốt kiểm soát nói trên.