Tin thế giới 28/9: Bất ngờ lộ diện người thứ 3 liên quan tới vụ Skripal
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Châu Á – Thái Bình Dương
*Phản ứng gay gắt trước cáo buộc của Tổng thống Donald Trump, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định lại quan điểm ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời yêu cầu nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ngừng tất cả các phát ngôn không có lợi cho quan hệ song phương. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra, "cộng đồng quốc tế biết rất rõ kẻ nào thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác".
Trước đó, Tổng thống Donald Trump, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tuyên bố rằng Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 sắp tới tại Hoa Kỳ.
*Mới đây, tờ Times of India dẫn nguồn tin trong chính phủ tiết lộ, Ấn Độ sẵn sàng ký hợp đồng mua 5 trung đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới nhất của Nga trị giá 5,43 tỷ USD, bất chấp Mỹ đe dọa tiến hành trừng phạt theo đạo luật CAATSA (Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt). Việc ký kết sẽ diễn ra nhân dịp chuyến thăm đất nước Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, dự kiến vào đầu tháng Mười tới. Được biết nhà lãnh đạo Nga sẽ tới Ấn Độ để tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương được tổ chức hàng năm.
*Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ thông báo, một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã làm rung chuyển Minahasa, thuộc đảo Sulawesi của Indonesia vào lúc 7 giờ sáng 28/9 (giờ GMT, 14 giờ theo giờ Hà Nội). Tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu 18,08 km, ban đầu được xác định tại 0,3976 độ vĩ Nam và 119,7631 độ kinh Đông.
Quân nhân Mỹ |
Tình hình Trung Đông/Syria
*Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif kêu gọi Israel hãy thú nhận và mở cửa cho các thanh tra quốc tế về "chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp" của mình.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Iran đưa ra sau khi trước đó, ngày 27/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc Iran sở hữu một kho bí mật chứa nguyên liệu và trang thiết bị để phát triển vũ khí hạt nhân ở thủ đô Tehran.
*Theo một báo cáo quân sự của Liên quân, kết quả các hành động trong chiến dịch quân sự "quyết tâm không thể lay chuyển" của Liên minh quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Syria và Iraq kể từ tháng 8 năm 2014, đã khiến ít nhất 1.114 thường dân thiệt mạng.
Hoa Kỳ và các đồng minh tiến hành chiến dịch quân sự “Quyết tâm không thể lay chuyển” tại Syria và Iraq kể từ tháng 8 năm 2014, nhằm chống lại những kẻ khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, tại Syria, họ hoạt động mà không có sự đồng ý của chính quyền sở tại.
*Cục Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, các đòn tấn công “nhầm” của NATO ở Afghanistan là hậu quả của việc tính toán sai lầm của giới lãnh đạo Mỹ và Nhà Trắng về giải quyết vấn đề bằng phương pháp quân sự.
"Chúng tôi rất bất bình trước thực tế các vụ "tấn công nhầm" của các lực lượng trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO tại nước này (Afghanistan) đã gần như trở thành hiện thực thường nhật, và không ai chịu trách nhiệm về chuyện đó", Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. |
Châu Âu
*Tờ Telegraph ngày 28/9 đưa tin, danh tính sĩ quan tình báo quân đội thứ 3 của Nga, người đã thực hiện nhiệm vụ do thám trước khi đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal, đã được cảnh sát chống khủng bố và cơ quan an ninh Anh xác định.
Telegraph cho biết, đặc vụ người Nga được cho là đã tới thành phố Salisbury để trợ giúp lên kế hoạch vụ tấn công trước khi 2 đồng nghiệp của người này mang chất độc thần kinh vào Anh.
Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái ông này Yulia đã bị đầu độc hồi tháng 3 tại Salisbury, Anh. Hai người này đã được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên ghế băng vào ngày 4/3.
*Ngày 27/9, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) cho biết nước này đã áp đặt “các lệnh trừng phạt đặc biệt” đối với một số công ty vận tải Nga do hợp tác với các đối tác tại khu vực không phải do Kiev kiểm soát ở miền Đông Ukraine.
Trong số các công ty Nga bị trừng phạt có RZD Logistics JSC, một chi nhánh của tập đoàn đường sắt nhà nước Russian Railways. Theo tuyên bố của SBU, các “lệnh trừng phạt đặc biệt” bao gồm phong tỏa tài sản, hạn chế các hoạt động thương mại, cấm một phần hoặc toàn bộ việc vận chuyển tài nguyên qua lãnh thổ Ukraine. Hiện các công ty Nga bị áp đặt trừng phạt vẫn chưa đưa ra bình luận gì.
*Ngày 27/9, Nga đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đồng thời cảnh báo rằng việc biến các biện pháp trừng phạt trở thành "trừng phạt hội đồng" là "không thể chấp nhận được".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: "Các động thái của Triều Tiên đang dần hướng tới giải giáp (hạt nhân) nên được hưởng ứng bằng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Thật không thể chấp nhận được nếu các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trở thành một công cụ của hoạt động trừng phạt mang tính hội đồng".