Tin thế giới 24/2: Mối lo về xung đột lan rộng ở Ukraine
Ukraine
*Sau khi đã chiếm được thành phố Debaltseve, quân ly khai Donetsk đã diễu hành qua quảng trường Lenin để mừng chiến thắng cũng như để kỷ niệm ngày Vệ Quốc, một trong những ngày nghỉ lễ đã có từ thời Liên Xô. Cuộc tấn công Debaltseve vấn tiếp tục cho đến khi quân đội Ukraine đã rút khỏi thành phố, mặc cho thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên đã được thỏa thuận, với lý do Debaltseve không nằm ở tiền tuyến, nơi lệnh ngừng bắn được áp dụng trước tiên.
*Sau vụ nổ bom ở thành phố Kharkov, chính quyền Kiev đã lo ngại rằng xung đột có thể sẽ lan rộng ra bên ngoài vùng do quân ly khai kiểm soát. Theo một số quan chức, lực lượng an ninh đã bắt giữ 4 nghi phạm được cho là có ý định tiến hành tấn công hàng loạt tại thành phố Kharkov và có sự liên quan của Nga. Nga vẫn luôn phủ nhận nước này đóng vai trò trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Vụ nổ bom ở Kharkiv diễn ra khi hàng ngàn người đã diễu hành để tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong cuộc bạo động năm 2014 dẫn đến việc chính quyền Tổng thống Yanukovych bị lật đổ.
Cuộc pháo kích vào thành phố cảng Mariupol là một trong những sự kiện nổi bật nhất của xung đột Ukraine. |
*Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông thề sẽ đưa bán đảo Crimea trở về Ukraine, nhưng đã gặp phải những sự phản đối từ chính quyền Crimea và người dân Ukraine.
*Đáp lại những lời trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hi vọng rằng cộng đồng quốc tế cần phải tôn trọng việc bán đảo Crimea sát nhập vào Nga. Ông nói rằng người dân Crimea đã bỏ phiếu tán đồng việc trở thành một phần của Liên Bang Nga khi tình hình chính trị ở Ukraine đã có dấu hiệu bất ổn.
*Quân ly khai đã chính thức bắt đầu rút lui các loại vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến, tuân theo các bước trong thỏa thuận ngừng bắn để tạo ra vùng đệm giữa lực lượng pháo của quân nổi dậy và quân chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, thông tin này hiện vẫn chưa được xác minh rõ ràng, trong khi phía Kiev khẳng định sẽ không rút lui chừng nào quân ly khai chưa rút vũ khi của mình. (theo AP)
Nga
*Cộng hòa Cyprus đã lên tiếng phản đối lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga. Tổng thống Cyprus, ông Nicos Anastasiadis cho biết trừng phạt kinh tế sẽ “không mang lại kết quả gì cho người khởi xướng”. Cyprus là một trong những nước mới nhất lên tiếng phản đối lệnh cấm với Nga và là một trong số những bạn hàng thương mại với nước này. Đã có tin cho rằng Cyprus đang có ý định cho phép Nga thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này.
Tổng thống Cyprus đã bày tỏ phản đối việc áp đặt cấm vận đối với Nga. |
*Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng, giữa Nga và Ukraine sẽ không có chiến tranh. Ông khẳng định rằng “lợi ích của châu Âu cũng giống như của Nga” và “không ai muốn có các xung đột vũ trang ở các khu vực châu Âu”. Ông cũng đồng thời tỏ thái độ ủng hộ hiệp ước Minsk mới được đồng thuận vào ngày 12/2 vừa qua, mặc dù cho đến giờ nó vẫn chưa phát huy hiệu quả cần thiết.
IS
*Cảnh sát Pháp đã tịch thu hộ chiếu của 6 công dân nước này, được cho là có ý định bay sang Syria để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo BBC, những người này bị phát hiện khi người thân báo cho chính quyền hoặc cảnh sát tiến hành điều tra. Sự việc xảy ra sau khi 3 nữ sinh ở Anh đã bỏ nhà bay sang Thổ Nhĩ Kỳ để vượt biên gia nhập IS và hiện vẫn chưa biết rõ tung tích của ba người này.
Một nhóm các chiến binh người Kurd huấn luyện để chống lại IS. |
*Mới đây, IS lại có hình thức kiếm lợi nhuận mới, đó là rao bán thi thể của các chiến binh người Kurd để lấy tiền. Theo một số báo Đức, nguồn thu nhập của tổ chức này đang dần cạn kiệt khi dầu đang hạ giá và không thể sinh lời, buộc lực lượng này phải tiến hành rao bán các thi thể với giá “dao động trong khoảng từ 10.000 – 20.000 USD”.